[Ba lần đại chiến Pusilung] Lần 1: Thế nào là “giới hạn” | Kỳ cuối
Pusilung – ông hoàng già cỗi hay nàng công chúa ngủ quên
Chừng một tiếng sau thì mưa ngớt dần, rồi chỉ còn nghe thấy lạch tạch trên cành lá. Có tiếng người ra khỏi lều, rồi tiếng gọi nhau thì thào. Mấy anh porter dậy rồi, nhóm lửa đun nước nấu mì. Mươi phút sau thì các lều cũng vọng ra tiếng nói, ban đầu nhỏ, rồi to dần to dần. Hắn chui ra khỏi túi ngủ, kéo cái khóa mở cửa lều. “Rẹtttt “, vài giọt nước thấm qua mấy lỗ khóa, nhỏ giọt xuống sàn lều, một luồng không khí lạnh và ẩm ập vào, nổi hết cả da gà.
Trời vẫn còn tối lờ mờ tối, người này í ới gọi người kia dậy.
“Ôi anh ơi em ướt hết người rồi!” “Anh cũng thế, phải nằm nghiêng người cho đỡ này”.
Lều anh Phong hôm qua che không kĩ, đêm mưa nước lọt vào, ướt nguyên nửa người, thấm cả vào túi ngủ.
Tiếng dép lạo xạo trên đất, tiếng chẻ củi, tiếng xoong loảng xoảng, tiếng củi cháy lạch tạch, tiếng người lao xao hòa vào tiếng suối chảy rào rào cách đó mấy bụi cây. Ánh đèn loang loáng lia lên những ngọn cây vẫn còn ướt sũng.
Trời dần sáng, mỗi người lúi húi tay bát mì nóng tay đôi đũa húp sùm sụp. Bữa sáng không có nhiều thời gian, phải giải quyết nhanh gọn để tiết kiệm thời gian. Porter còn phải nấu cả cơm và rang thịt gà để mang đi nữa, nên dậy rất sớm. Mấy anh em tự phân công công việc, mỗi người một thứ, tay chân loang loáng, một lúc đã xong hết cả. Nhiều khi nghĩ lại nếu mà không có đội porter hỗ trợ thì những hành trình như này sẽ vất vả hơn bội phần rồi. Và việc tìm kiếm được một đội porter “chuẩn”, nhanh nhẹn, thạo việc, thật thà lại là cả một vấn đề nữa.
Hơn 5h sáng rồi “Chuẩn bị xuất phát thôi mọi người ơi!”
Bầu trời cuồn cuộn toàn mây dần dần lộ ra nhưng đã bớt dày như hôm trước. Mà cũng chẳng biết đường nào mà lần. Đến cả không khí cũng như được tưới ướt. Ai cũng sợ trời sẽ lại mưa tiếp nên mặc sẵn luôn áo mưa, mặt mũi căng thẳng như chuẩn bị đi đánh trận, rồi nối đuôi nhau chui vào một lối mòn như cái đường hầm hai bên gianh cao vút. A Páo đang đứng đợi như anh chiến sĩ điểm quân số “go, go, go” “come on!”. Có người chậm thì cuống cuồng xỏ giày, lấy balo rồi chạy theo.
Hắn như thường lệ, vẫn chốt cuối. Mà từ lúc ăn xong, đã cảm giác thấy cơ thể không ổn, có triệu chứng quen thuộc. Vậy là đã đi vài mét rồi lại phải quay lại lều, găm ít “hàng” vào túi.
Độ cao nâng dần lên, cũng là lúc trời hửng sáng nhìn thấy rõ mọi thứ. Sau cơn mưa, vài đám mây mỏng còn sót lại vẩn vương lưng chừng núi. Cái vị tinh khiết của không khí như nếm được rõ ràng, vào đến đâu biết đến đấy, làm cho đầu óc sảng khoái vô cùng. Đoàn người nối đuôi nhau trên con đường mòn đầy cỏ cháy, cách có vài bước chân bên ngoài là vực sâu xuống tận con suối Nậm Xì Lường, con suối bắt nguồn từ đỉnh Pusilung chảy thẳng ra Pa Vệ Sử rồi xuống Mường Tè, hòa vào dòng sông Đà hùng vĩ.
Rồi lại tiếp tục vạch lá gianh tìm đường, vượt suối. Trước khi lên được sườn núi nhỏ toàn lau để tới được hang đá, chỗ mà mọi người gọi là “dốc trơn”, thì phải chui “hầm gianh”, vượt mấy con suối, gai góc khắp nơi. Đoạn này khá dài mà nhiều người không nhớ, hoặc có thể là quá mệt nên khi về đến “dốc trơn” rồi cứ tưởng tới trại, mà đi cả tiếng đồng hồ nữa vẫn chưa thấy trại đâu. Gianh và gai đan xen chằng chịt, đi được đoạn thì gai móc vào quần áo, kéo rơi cả mũ phải quay lại nhặt. Nhiều lần như thế chán chả buồn gỡ, một tay ôm đầu, một tay vạch gianh, cúi người đi ào ào, thi thoảng lại nghe “tạch, tạch, tạch”. Lát sau qua khỏi đoạn này, nhìn lại người thì tơi tả không khác gì vừa đi đánh ghen về.
“Dốc trơn” là một đoạn dốc có đất đanh như nhựa cứng, trời mưa hay sương là trơn như bôi mỡ, leo lên thì phải khom người tận đầu gối, chống gậy bám cây bụi mà lên, thế mà vẫn trượt oành oạch, leo xuống thì xác định bò bằng mông còn nhanh hơn là đi lùi, còn đi thẳng thì tiếp tục mà vồ ếch.
Đến “dốc trơn” thì hắn biết mình không thể chịu được nữa rồi, đành bảo mọi người đi trước đi. Ngó trước nhìn sau, kiếm một chỗ thật thoáng và Rụt! rụt! rụt! Nỗi buồn dồn nén suốt 2 ngày qua cuối cùng cũng được trút ra. Hắn ngồi vẩn vơ hát nhìn mây bay và dòng suối chảy rì rầm dưới kia. Đời người được mấy lần như thế chứ. Hầy!
Sự việc chỉ diễn ra đâu đó trong khoảng 5 phút, rồi hắn phải nhanh chóng đuổi đoàn. Lên tới đầu dốc thì gặp anh Phong, còn mọi người đã khuất ở bên kia mé đồi lau rồi. Nếu hỏi ai lạc quan nhất trong chuyến này thì chắc đấy là anh Phong, chẳng lo về việc nhanh hay chậm, sớm hay muộn, vẫn nhởn nhơ ngắm trời ngắm đất, chụp ảnh, bay fly cam, như đi dạo chứ không phải là chinh phục đỉnh núi khó nhất Việt Nam nữa.
Đợi anh Phong rồi cùng đi, chẳng mấy tới hang đá, là một điểm camp mà nếu bạn đi khỏe có thể nghỉ ở đây. Hang cũng không to, chỉ chứa được khoảng 4,5 người, sàn thì lổm nhổm mỏm đá chứ chẳng được bằng phẳng đâu. Nhưng trong rừng mà có chỗ kín gió, che mưa che nắng như này là tốt lắm rồi. Nhìn thấy hang tối om sợ sợ nên hai người vọt đi luôn. Ngay cạnh hang là suối nên có thể bổ sung nước uống, từ đây trở lên sẽ rất khó tìm được suối nữa.
Đã có người từng phải bỏ dở hành trình lên đỉnh vì hết nước giữa đường và không tìm được suối rồi nên đến hắn cũng phải rất thận trọng, thà mang nặng thêm chút còn hơn là không có, vì quãng đường phía trước còn chưa biết như thế nào. Ai dè vừa đặt chân lên hòn đá thứ 2 ở suối thì giật nảy mình.
“Úi rắn anh ơi”
“Đâu đâu, to không?”
“Nó vọt bên kia kìa”
Con rắn không to lắm, chưa kịp nhìn là giống gì đã vọt đi mất rồi.
“Thôi nhanh đi anh”
Từ hang đá đi lên, dốc bắt đầu gắt hơn, đường mòn xen giữa những cỏ gianh và cây bụi. Nhưng được cái trời không nắng, mát mẻ dễ chịu nên đỡ mất sức hơn rất nhiều. Hai người cố gắng thật nhanh để kịp đoàn, đâu đó hơn cả tiếng đồng hồ, tới tận khu rừng già phía bên trên thì mới gặp anh Tuấn. Chân anh có vẻ có vấn đề rồi nên không đi nhanh được, chống gậy cà nhắc từng bước. Khu rừng già này nếu những ai đã đi Putaleng hoặc Tả Liên, Tà Xùa thì sẽ không còn xa lạ nữa. Những thân cây bị sương mù ẩm ướt bao phủ ngày này qua tháng khác nên rêu và địa y mọc kín thân cây, như được khoác lên một bộ áo lông vậy. Mờ ảo trong làn sương càng làm chúng thêm ma mị và huyền bí.
Qua khu rừng già là tới sát đường biên giới rồi, đi dọc theo con đường tuần biên toàn trúc bụi thì 10h30 chạm mốc biên giới 42, mốc giới cao nhất Việt Nam với cao độ 2850m. Mốc 42 là một mốc xa xôi và hiểm trở, nên một năm số lần biên phòng lên thăm chưa đến dăm lần. Nhìn cái mốc đá nhỏ uy nghi đứng giữa núi rừng hoang dã phân định biên giới hai nước mới thấy được công của những người mở đường đặt mốc lớn đến chừng nào. Nghỉ ngơi tranh thủ chụp hình, cảm giác vừa đạt được một điểm mốc nào đó thật vui sướng, tới đây là đã được nửa chặng đường lên đỉnh rồi.
“Chân anh sao rồi? Còn đi được không?”
“Anh bị chuột rút rồi”
“Xem chừng không ổn rồi anh Tuấn. Đoàn thì đi trước hết rồi, giờ chân như này theo sao kịp. Em nghĩ anh nghỉ ở đây thôi, rồi lát quay xuống cho sớm”
“Uh, anh cũng nghĩ vậy.”
Vấn đề này khá phổ biến khi leo núi. Khi bị chấn thương kiểu đau đầu gối, trật khớp hay căng cơ…thì hành trình sẽ trở lên rất khó khăn và có thể phải bỏ cuộc ở đâu đó giữa hành trình. Nên điều quan trọng nhất là đừng quan tâm đi kịp tốc độ người khác, mà phải cẩn thận để tránh gặp chấn thương, cứ từ từ rồi khác đến.
Ăn trưa nhẹ nhàng với cơm nắm và gà rang, để anh Tuấn với 1 porter ở lại, hắn và anh Phong tiếp tục đuổi đoàn. Từ đây lên tới đỉnh Pusilung là đi dọc đường biên, có những đoạn đi sang cả Trung Quốc đấy, nhưng chỉ là đường mòn dọc sống lưng của dãy núi, chẳng có gì đánh dấu, nên khó đoán được đoạn nào đi bên TQ, đoạn nào đi bên VN cả. Nên từ trước, hắn đã chuẩn bị rất kĩ cho đoạn này, tải bản đồ offline và tracklog đường đi, cộng với GPS nữa, đi đến đâu hiện rõ vị trí của mình trên bản đồ. Bản đồ đã từng được sử dụng và kiểm chứng, nên rất chính xác, cứ đi theo là không bao giờ sợ lạc.
“Ùi anh ơi, đỗ quyên. Đỗ quyên nhiều không này”
Hai kẻ đuổi đoàn say mê nhìn những vạt đỗ quyên bung nở tuyệt đẹp, đủ sắc màu. Những cây hoa đỏ thì lùn, chừng hai đến ba mét nên chụp được, còn những cây hoa vàng thì cao vút cả chục mét, có cây đến cả một vòng tay người ôm, chỉ đứng bên dưới mà ngó lên được mà thôi.
Hai anh em thơ thẩn vừa đi vừa chụp, vừa ngó, chừng tiếng rưỡi sau mới đuổi kịp nhóm trên của đoàn. Một top khỏe nhất 5 người đã vọt lên trước rồi. Hắn không tài nào nhớ được đoạn này có cả thảy bao nhiêu khúc lên rồi lại xuống, có đoạn leo dốc khá cao tưởng tới đỉnh rồi, nào ngờ lại tụt xuống khá sâu, rồi lại đi lên.
Cứ lên lên xuống xuống như vậy, xuyên qua những rừng trúc và thân đỗ quyên phủ kín rêu xanh, đã có những thành viên khá đuối. Hóa ra, tất cả đều bị lừa. Pusilung là tên một đỉnh núi, nhưng để đến được đỉnh núi đấy thì nào ai biết phải leo qua bao nhiêu cái đỉnh núi khác nữa. Ban đầu còn đếm, “một đỉnh này”, “hai đỉnh này”, “lên rồi”, “lại xuống”, rồi sau chả buồn đếm và chả buồn nhớ nữa. Lúc này chỉ còn biết dùng lời nói động viên nhau mà thôi.
Chợt có tiếng loạt soạt và tiếng người phía trước, những thành viên của top đầu đã xuống.
“ Cố lên, cố lên, còn chừng 15 phút nữa thôi”. Top này đã lên đỉnh trước và mau chóng đi xuống, vì đường còn dài lắm, chắc sợ đi tối. Nhìn mặt ai cũng hớt ha hớt hải, nói chưa được dăm câu đã biến mất sau mấy bụi trúc rồi. Hình như leo núi là tất cả các định lượng về thời gian đều trở thành sai bét, kêu 15 phút mà mãi cả nửa tiếng sau mới thấy ông porter đi đầu reo lên “Tới đỉnh rồi, tới đỉnh rồi!”, làm anh em bên dưới cái dốc đó phấn chấn hẳn lên, vậy là không phải lên rồi lại leo xuống tiếp rồi.
2h30 phút chiều, những thành viên của nhóm sau cùng đã chạm đỉnh. Tất cả đều vỡ òa sung sướng. Đã có rất nhiều đoàn phải bỏ cuộc giữa đường vì rất nhiều lí do khác nhau, nên để hoàn thành mục tiêu đề ra ai nấy đều vui mừng khôn xiết. Chúng tôi đã ở đây, trên đỉnh cao nhất của nóc nhà biên giới phía Bắc Việt Nam.
Chụp hình nhanh nhảu rồi tất cả nhanh chóng di chuyển xuống vì còn cả quãng đường dài trở về. Chưa được bao xa thì gặp anh porter đi cùng anh Tuấn bước lên, rồi phía sau vài mét thấy anh chàng cà nhắc từng bước lết theo.
“Trời, anh liều thế. Rồi tí trời tối sao mà xuống.”
“Lên tới đây rồi chả nhẽ không lên. Thôi, em cứ xuống trước đi, để cho anh cậu porter là được.”
“Vậy…em đợi ở mốc 42 nhé”
Thế là người cuối cùng của đoàn cũng quyết tâm lên đỉnh. Chắc có Pusilung là đỉnh cực khó để tất cả cùng nhau lên đỉnh một lúc. Hắn nghĩ vậy nhưng rồi tặc lưỡi “không ai bỏ cuộc giữa chừng là tốt lắm rồi”. Vậy là hắn hò mọi người đi trước, rủ thêm anh Đạt Bông “người rừng” ở lại phía sau, hai thằng thơ thẩn vừa ngắm cảnh vừa chụp hình, tranh thủ đợi 2 người phía sau về cùng luôn. Kiểu gì cũng về tối, nên là đi đông hỗ trợ nhau cho an toàn.
Đoạn trên đỉnh xuống này đỗ quyên nhiều vô kể, mà toàn là đỗ quyên cổ thụ, tán cao cả chục mét. Ngay cả mấy rừng đỗ quyên đẹp như Putaleng, Tả Liên cây cũng thấp lè tè, thân bé, còn trèo lên được, so với rừng trên này thì không khác gì đời con đời cháu. Nhìn từ dưới nhìn lên, thấy những bông hoa vàng đương độ nở bung lấp ló sau những cành lá, cố chụp mà ngược sáng nên chẳng lên hình được rõ. Mà cây lại rât to, thân trơn nên không thể trèo được, đành bất lực đứng dưới mà ngắm thôi.
Đi được thêm vài trăm mét thì hắn nhìn thấy một cây đỗ quyên chìa ra ngoài mép vực, để hở ra một cái lỗ nhỏ chừng một mét vuông. Cây này mọc ngay sườn núi dốc nên bị gió thổi cho choãi ra, mọc chếch chéo ra ngoài, lên trên cao thì cành chìa ra gần như đi ngang.
“Anh Đạt, anh Đạt, quay lại đây”
“Làm gì thế em?”
“Trèo lên đây xem thử!”
Hai thằng lúi húi trèo lên cây đỗ quyên bán đầy rêu, lổm nhổm bò ra ngoài, dọn mấy cái cành nhỏ chĩa ra chắn đường đi thì trước mặt hiện ra một cảnh tượng ngỡ ngàng.
Hú! Hú! Hú
Trước mặt là cả một vạt rừng đỗ quyên vàng trải dài từ trên đỉnh núi xuống, lại có thêm chút mây mù chầm chậm trôi, tạo nên một khung cảnh huyền ảo đến mê hoặc. Hai thằng hắn vui sướng nhảy chồm chồm trên cành, cực kì phấn khích. Vừa nãy là chui bên dưới những thảm hoa kia mà đi đó, giờ kiếm được chỗ nhìn từ sườn này, quả thực là may mắn. Một tay bám cành cây, một tay cầm máy chụp lia lịa không ngừng. Chụp hết, chụp hết để không bỏ lỡ một góc nào, vì cả một rừng hoa bung nở như thế này, không phải dễ dàng mà thấy được.
Dù trời không mưa, nhưng trong rừng cây bao phủ thế này, lại đang về chiều nên dừng lại một lúc thôi là người lạnh run cầm cập. Thế là hai thằng bảo nhau chạy về mốc đợi. Phải chăng nhìn thấy rừng hoa khiến cho tinh thần của hai đứa đi lên, hai thằng như được hồi sinh, chạy vèo vèo qua những con dốc, quên cả mệt mỏi.
Cả team xuống đến mốc 42 thì đã gần 6h chiều. Bầu trời đang cố với những tia sáng cuối cùng để làm rực lên những vảy mây trắng như rắc vôi trên nền xanh thẳm. Thời tiết đã tốt lắm rồi, giờ không còn lo mưa gió gì nữa. Mọi người tranh thủ nghỉ lấy sức, vừa đợi 2 người sau. Vài người đã mệt lử cả rồi, ném cả balo, quần áo mưa mà ngồi phịch xuống thở.
5 phút, 10 phút rồi 15 phút, vẫn chưa thấy 2 người kia đâu. Không kịp rồi, hắn đề nghị mọi người xuống trước đi, để anh Đạt ở lại cùng đợi rồi đuổi theo sau.
Vậy là 2 thằng lại ngồi ngắm hoàng hôn buông trên mốc 42 cho đến khi màn đêm ập hẳn xuống. Sương bắt đầu giăng mù mịt. Chết cha, lạnh quá, lúc đi chỉ mặc mỗi cái áo cộc, cái áo mưa lại không đủ cho cơ thể giữ được ấm. 7h tối.
“Anh Đạt ơi, không được rồi. Phải xuống thôi, em lạnh lắm.”
“Uh, anh cũng lạnh”
“Theo đoàn thôi, có porter đằng sau rồi. Hai anh sẽ lo được cho nhau thôi.”
Vậy là hai thằng dọn đồ, tiếp tục phi theo đoàn. Con đường tuần biên xuyên qua khu rừng trúc thẳng tắp và thoai thoải có 2 ánh đèn lập lòe lao đi trong màn đêm.
Qua khỏi khu rừng già thì gặp đoàn, lúc này hắn cũng hết hơi rồi. Sau hai màn đua tốc độ vừa nãy thì giờ chỉ có thể đi bình thường lại được mà thôi. Đã là 8h tối và 15 tiếng trek từ sáng. Trời ập tối thì trăng lên, tỏa cái ánh sáng dịu nhẹ bao phủ khắp nơi, xa xa là biển mây ngập tràn dưới thung lũng. Đẹp quá! Hắn kiếm hòn đá đặt cái máy ảnh lên phơi sáng. Cô gái Pusilung đang say ngủ với mái tóc mây bồng bềnh bồng bềnh, bị đánh thức bởi những tiếng động lạ, mở hờ một mắt là ánh trăng vàng kia để xem xem kẻ nào to gan tới vậy. Chỉ thấy những sinh vật nhỏ bé đang vội vã tháo lui, cô chẳng buồn quan tâm, lại tiếp tục chìm vào cơn say mộng mị. Không ổn, rung và khó kiếm góc quá, thôi bỏ đi vậy.
Chừng nửa tiếng sau thì có ánh đèn lấp lóa ở phía trên, rồi 2 ánh đèn. Tiếng hú nhau í ới. Anh Tuấn và porter đã xuống đến nơi. Nhanh thật! Chẳng mấy chốc thì chạm nhau, rồi 2 người đó vượt luôn. Vẫn một người đi trước, một người cà nhắc chống gậy theo sau nhưng thật mau lẹ. Hắn cười xòa.
Tốc độ đoàn đã chậm đi đáng kể bởi những cơ bắp mệt mỏi và đang muốn đình công. Đoàn người nối đuôi nhau nhích từng centimet một trong đêm tối. Rồi cũng đến lúc không thể đi được cùng nhau nữa, nhóm lại tách ra làm hai. Những người khỏe đi trước về để còn nghỉ ngơi, còn lại hắn, 2 người đi leo núi lần đầu, anh Phong tình nguyện ở lại đi cùng và một porter. Anh porter người Dao cũng có dấu hiệu của sự đuối sức, gần như không thể giúp được gì nữa rồi. Có vài đoạn đang đi, anh ngồi thụp xuống mà thở, khuôn mặt lộ rõ sự mệt mỏi. Còn những thành viên còn lại thì chẳng phải nói, không còn cả sức mà mệt nữa ấy chứ. Lúc này chỉ còn đi bằng ý chí và bản năng, cố để về đến trại mà thôi. Cơ thể hắn cũng bắt đầu có dấu hiệu của những sự xuống sức, cơ bắp và các khớp nhói lên sau mỗi lần bước, phải thật lựa để bớt đau. Và đặc biệt khó khăn khi cơn buồn ngủ bắt đầu ập đến. Bước từng bước theo những con người đang kiệt sức phía trước, giảm tốc độ đi 3,4 lần, hắn ngáp lên ngáp xuống, đầu óc mơ màng. Rồi đột nhiên hắn thụp xuống, đầu kê lên gối, cứ thế ngồi mà ngủ.
Chừng 5 phút sau, có tiếng gọi bên dưới, hắn lại đứng lên đuổi theo. Rồi lại ngủ, lại dậy đuổi theo. Hắn không nhớ mình đã ngủ như vậy bao nhiêu lần nữa. Mỗi lần có tiếng anh Phong gọi, hắn lại bật dậy đuổi theo cái tiếng cười khanh khách, rõ mồn một giữa màn đêm ấy. Anh vừa đi vừa nói, vừa kể chuyện, cười đùa, như chưa biết mệt vậy. Người đâu mà dị.
Qua hang đá rồi, qua đồi cỏ lau rồi, về đến dốc trơn rồi đây. Đến lúc này thì 2 người đau chân không còn đi thẳng được bình thường nữa mà ngồi hẳn xuống mà lê, giống như mấy đứa trẻ trong công viên chơi cầu tuồi vậy. Hai tay sau hai chân trước, ủn cái mông lên mà trượt xuống.
Còn phải xuyên qua vài cái hầm cỏ gianh và mấy con suối nữa. Những câu hỏi liên tiếp được thốt lên, nhưng chẳng có ai đáp lời.
“Lúc đi mình đi qua đoạn này hả?”
“Sao nhiều suối vậy?”
“Vẫn đi tiếp hả?”
“Em chịu hết nổi rồi?”
“Còn bao xa nữa vậy?”
“Mấy giờ rồi?”
Đi trong đêm tối chẳng nhìn thấy gì ngoài phạm vi ánh đèn cả nên càng làm cho thời gian như trôi chậm hơn. Chỉ một tiếng hai tiếng mà cảm giác dài như cả đêm vậy. 00h10 phút sáng ngày trek thứ 3, người cuối cùng trở về đến trại sau 19 tiếng trek. Hắn cảm thấy cơ thể mình không còn là của mình nữa, chỉ cần nhúc nhích một tí thôi là lại đau điếng, như có ngàn vết kim đâm. Đã từ lâu lắm rồi, từ cái lần đạp xe xuyên đêm từ Cà Mau về đến Sài Gòn bốn năm trước, giờ mới lại có cảm giác này. Các lều đã im ắng hết cả. Cơm canh đã nguội ngắt, chẳng buồn mà ăn nữa, tháo giầy, rửa chân tay, rồi cứ thế chui vào lều mà thiếp đi lúc nào chả biết.
…
NGÀY TRỞ VỀ
Hôm nay hắn không hẹn giờ. Cứ thế mở mắt mà tỉnh dậy, không một chút mơ màng nào cả. Không gian yên tĩnh và vắng lặng, mọi người vẫn chưa dậy, chỉ có một vài tiếng chim hót và tiếng suối, rồi có cả tiếng xoong nồi va vào nhau nữa, tiếng người nhưng nhỏ lắm. 5h30, ánh sáng chiếu vào cái nóc lều màu cam làm nó rực lên, cảm giác màu càng đậm lên và rực rỡ. Hắn chui ra khỏi lều, cơ thể đã trở lại, như được hồi sinh vậy, dù vẫn còn hơi chút dư âm, nhưng không đáng kể, vẫn hoạt động ngon lành được.
Ra suối vục mặt vào làn nước mát lạnh cho tỉnh táo, gọi mọi người dậy để ăn sáng vào dọn đồ. Thì “Ối trời ơi” từ lều của mấy chị nữ vang lên.
– Có cái gì thế?
– Vắttttt
Con vắt dài bằng 2 đốt tay, run rẩy bò lổm ngổm dưới sàn lều. Trông vẫn ốm nhom thế kia là chưa sơ mú được miếng nào rồi. Nhặt cái lá nhóm cu cậu lên, ném vèo một cái, lách tách. Thế là xong đời kẻ xấu số.
Ngày về là thước phim tua chậm lại quãng đường mà tất cả đã trải qua.
Ồ, công nhận mình đi cũng kinh nhỉ.
Đoạn này xuống thì nhanh, mà lên thở há cả mồm.
Vài người tranh thủ chụp hình lưu niệm, hắn thì có sở thích với mấy món ăn uống, nên thử thật nhiều quả mâm xôi. Một loại quả bằng đầu ngón tay út, có màu vàng hoặc đỏ, gồm rất nhiều hạt nhỏ liti chụm vào, trông như một quả na thu nhỏ nhưng vỏ bóng, mọng nước, khi chín có vị chua chua ngọt ngọt, ăn nhiều thì khá là…rát lưỡi. Nhưng mà thân cây thì nhiều gai bậc nhất nhé.
Hôm nay nắng đã tràn ngập trên những sườn núi dù trời vẫn chưa quang được hết. Mây cuộn lại, lững lờ trôi ngang trời khiến cho dãy Hoàng Liên Sơn ẩn hiện phía sau thêm phần kì bí và hùng vĩ. Hắn lại đi sau. Một phần vì công việc đòi hỏi như vậy, một phần vì thích đi sau. Vì những lúc một mình như thế này hắn mới được chầm chậm mà hòa mình vào thiên nhiên, núi rừng, thư giãn thực sự. Tranh thủ chụp lại vài bức hình lưu lại những dấu ấn cuối cùng về con đường chinh phục Pusilung huyền thoại. Mỗi bước đi là đỉnh Pusilung lại xa dần, chìm vào trong mây, chìm vào trong tầng tầng lớp lớp đồi núi khác.
Thành viên cuối cùng ra khỏi rừng là 2h chiều. Lại tiếp tục nhảy chồm chồm trên con đường ngoằn ngoèo đầy đá sỏi, một bên là vực sâu hoắm để ra đồn biên phòng.
Sau khi được tắm nhờ ở đồn Pa Vệ Sử với nước nóng bỏng da, đoàn chia tay các anh biên phòng và ra về lúc 5h chiều.
Chia tay Pusilung – bức sơn thành trấn giữ một vùng biên ải, chia tay Pa Vệ Sử, những dãy núi, dòng suối cứ chầm chậm lướt qua. Lắc lư lắc lư trên xe, còn cả một quãng dài nữa để về lại Hà Nội.
Tạm biệt, Pusilung!
Còn 2 lần nữa Anh ơi, hóng (;>
Có cả 3 lần rồi bạn nhé
https://moclago.com/ba-lan-dai-chien-pusilung-lan-1-the-nao-la-gioi-han-ky-2/
https://moclago.com/ba-lan-dai-chien-pusilung-lan-1-the-nao-la-gioi-han-ky-cuoi/