Những đỉnh núi đẹp nhất Việt Nam| Phần 2| Putaleng khu rừng cổ tích ở Lai Châu
Nếu để chọn ra đỉnh núi có rừng cây đẹp nhất thời điểm hiện tại, thì danh xưng “Putaleng khu rừng cổ tích” quả thật xứng đáng. Là một đỉnh núi nằm trong top 10 các đỉnh núi cao nhất Việt Nam, Putaleng nổi bật với vẻ đẹp về rừng nguyên sinh, những con suối, cảnh quan và cả những bản làng ven chân núi.
Trước khi vào phần chính thì mình xin trân trọng cảm ơn các thành viên của diễn đàn phuot.vn là Bodyparty, Bazo, Soi7x, các porter (người bản địa dẫn đường) ở bản Pho là những người đầu tiên mở đường lên đỉnh Putaleng thành công vào giữa tháng 12 năm 2012, cùng tất cả các thành viên của diễn đàn trước đó đã tìm đường lên đỉnh nhưng không thành công như Jack Tran, Sơn KM…, mình xin lỗi vì không thể tổng hợp hết tên được.
Đỉnh Putaleng là một đỉnh núi đã được nêu tên từ rất lâu trong các tài liệu địa lý, thế nhưng chưa có một ai lên được đỉnh trước đó và đo đạc các số liệu chính xác về độ cao hay tọa độ, luôn bị nhầm lẫn là đỉnh cao thứ 2 Việt Nam với cao độ 3096m. Kể từ sau chuyến đi của nhóm anh Bodyparty, các số liệu mới được cập nhật chính xác nhất, và đỉnh Putaleng cao 3049m, đứng thứ 3 Việt Nam sau Fansipan và Pusilung, chính thức trở thành một tuyến đường yêu thích cho dân đam mê trekking.
Bài viết về quá trình tìm đỉnh của nhóm mở đường, cũng như tất cả các bài viết khác về trekking, các bạn có thể tìm đọc tại đây
Mục lục
1. Tên gọi và vị trí
Pu Ta Leng là đỉnh núi nằm ở phía Bắc của huyện Tam Đường, Lai Châu trên ranh giới giữa 2 tỉnh Lào Cai (huyện Bát Xát) và tỉnh Lai Châu, có thể sử dụng tên gọi khác như Phu Ta Leng, nhưng phổ biến hơn cả vẫn là Putaleng (Pu Ta Leng). Trong tiếng quan thoại, Pu hay Phu có nghĩa là núi, còn Ta Leng hay Tả Lèng là tên địa danh của vùng này, có lẽ vì thế cái tên Putaleng ra đời.
Để lên đỉnh Putaleng có nhiều hướng, có thể đi từ phía Tam Đường, Lai Châu hoặc phía Bát Xát, Lào Cai, nhưng phổ biến nhất vẫn là vòng cung đi từ bản Pho, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (gọi là hướng Hồ Thầu) và về lối xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (gọi là hướng Tả Lèng). Ngoài ra, người viết còn biết có 2 hướng khác lên đỉnh, xuất phát từ bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu (gọi là hướng Sì Thâu Chải) và xuất phát từ xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, Lào Cai (gọi là hướng Trung Lèng Hồ), tuy nhiên hai hướng này ít phổ biến và có độ khó cao hơn 2 hướng kể trên.
Tùy vào quỹ thời gian và khả năng của mỗi đoàn mà các bạn có thể lựa chọn hướng phù hợp cho mình, nhưng để thấy được hết vẻ đẹp của núi rừng Putaleng, thì hợp lí nhất vẫn là đi hướng Hồ Thầu và về hướng Tả Lèng hoặc ngược lại. Hướng Hồ Thầu có quãng đường ngắn nhưng độ dốc cao, còn hướng Tả Lèng dài hơn, nhưng dốc bớt gắt hơn, và là một hướng phải đi vì có rất nhiều cảnh đẹp.
Ở bài này, mình sẽ viết về quá trình chinh phục đỉnh theo hướng Hồ Thầu và về hướng Tả Lèng.
2. Hành trình leo núi Putaleng khu rừng cổ tích
2.1 Từ chân núi tới lán gỗ Hồ Thầu
Bạn có thể đi xe khách Lai Châu và xin cho dừng ở Km 17 Lai Châu, hoặc đi xe khách lên Sa Pa rồi đi tiếp xe trung chuyển lên Hồ Thầu, ngày về quay lại Sa Pa là trung tâm du lịch của Tây Bắc sẽ có nhiều thứ để thăm thú cũng như ăn uống.
Từ đây, bạn sẽ đi bộ lên bản Pho, là nơi gặp các porter – những người bản địa dẫn đường rất quan trọng trong hành trình chinh phục các đỉnh núi ở phía Bắc Việt Nam. Họ là những người dẫn đường, người mang bớt đồ đạc cho bạn (đồ ăn, lều trại…), người hỗ trợ nấu ăn, tìm nguồn nước, chỉ ra những thứ nguy hiểm mà bạn sẽ phải tránh (rắn, vực sâu, cây có độc…)…
Bản Pho là một bản thuộc xã Hồ Thầu, nằm ở phía Bắc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Với dân số có 97% là người Dao ở Hồ Thầu, thì không có gì ngạc nhiên khi bản Pho là bản có toàn bộ là người Dao. Ngoài ra ở Hồ Thầu còn có người Kinh, người Thái và người H’mong.
Người Dao Đầu Bằng khác với người Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Chàm…trang phục truyền thống là vải lanh nhuộm màu đen, không có nhiều hoa văn, đặc sắc nhất là chiếc mũ đội đầu của người phụ nữ. Phần màu đen như nhiều sợi dây loằng ngoằng kia là dây cước nhuộm đen được quấn thành nhiều vòng tròn, ngày xưa thì phần đó được bện bằng tóc rối. Đỉnh mũ còn có một lăng trụ nhôm màu trắng (che trong lớp vải), được trang trí bằng nhiều hoa văn đục bằng tay. Con gái người Dao nơi đây khi từ 14 đến 16 tuổi phải đội mũ truyền thống của dân tộc mình. Theo phong tục, khi người con gái đã được đội mũ chứng tỏ là đã trưởng thành có thể gả chồng được.
Nếu bạn có xem phim “Mùa xuân ở lại” dịp tết 2020 thì có cảnh quay người Dao Đầu Bằng ở bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, Tam Đường đó.
Người Dao ở đây còn nghèo, nhà cửa đơn giản, đa phần là nhà cấp 4 bằng gỗ, tre, lợp fibro xi măng hoặc tôn.
Nhưng có một điều đặc biệt mà hành trình của bạn nên xuất phát từ đây. Đó là đội ngũ porter cực kì chất lượng. Mình đánh giá rất cao khả năng của porter Hồ Thầu, họ làm việc chăm chỉ, tháo vát, mang vác đồ tốt, biết phối hợp và phân công công việc cho nhau. Có nhiều anh còn rất hài hước và biết cách tạo sự thoải mái cho mọi người. Đặc biệt là người Dao còn biết rất nhiều cây thuốc trong rừng, nên kiểu gì bạn cũng được chỉ cho mấy thứ hay ho, hoặc nếm thử những món rau hái trực tiếp trong rừng cực kì ngon.
Bắt đầu từ bản Pho, bạn sẽ đi dọc theo một con mương dẫn nước. Từ trên cao, bạn có thể ngắm nhìn xuống dưới thung lũng với những khoảnh ruộng bậc thang xen giữa bản làng nho nhỏ, hôm nào trời quang có thể nhìn ra hẳn phía Tam Đường.
Nếu đi vào một ngày nhiều sương hay vừa mưa xong, hãy cẩn thận vì khá trơn đó nhé.
Sẽ rất nhanh thôi, bạn sẽ đi vào rừng và bắt đầu hành trình đi dọc suối. Suối Hồ Thầu là một con suối khá lớn, nhiều đá, nước chảy róc rách suốt ngày đêm. Bạn sẽ đi dọc bờ suối, leo lên leo xuống các tảng đá, dần tiến sâu vào rừng. Đoạn này độ dốc không quá gắt, bạn sẽ có thời gian để làm quen và thưởng thức khung cảnh núi rừng trong tiếng suối rì rào. Tuy nhiên, hãy đi đứng cẩn thận vì có những tảng đá trơn cạnh rìa những hố nước rất sâu. Trượt chân xuống thì xác định tắm suối luôn, nặng hơn thì có thể bị chấn thương chân tay, cơ thể đấy. Tốt nhất là hãy đi theo sự chỉ dẫn của guide và porter.
Con thác đẹp nhất trên đường suối Hồ Thầu. Nước chảy từ trên xuống như một dải lụa. Hồ bên dưới khá sâu, tầm 2-3 mét ngập đầu người.
Suối Putaleng sẽ vẫn có khả năng có vắt vào những ngày mùa xuân và đầu hè hay những ngày mưa. Tuy nhiên sẽ rất ít khi thấy, nhất là khi so sánh với Pờ Ma Lung. Càng vào sâu bên trong, suối sẽ càng nhỏ dần.
Đến một khu rừng trồng thảo quả lớn thì cũng chính là điểm bạn tách khỏi suối và bắt đầu leo dốc. Thảo quả là một loại cây họ gừng, được dân bản trồng dưới các tán rừng cổ thụ hoặc ven suối. Thảo quả có thân như cây dong riềng, lá to bản, cao từ 1 mét cho đến 2 mét tùy nơi.
Loại cây này có một điểm khá đặc biệt là hoa và quả mọc ở gốc cây. Hoa màu vàng, nở vào khoảng tháng 3, tháng 4. Sau khi hoa rụng thì quả mọc thành chùm, màu đỏ sẫm, to dần và tới tháng 9 là có thể thu hoạch được. Thảo quả non có thể ăn trực tiếp được, vẫn cái mùi nồng thơm của thảo quả không lẫn vào đâu, tuy nhiên không có vị, có nước, ăn chơi chơi hoặc chống khát. Thảo quả già thì cay và chát, không nên ăn trực tiếp. Thảo quả khi thu hoạch thường được sấy khô tại các lán nhỏ ngay tại nơi trồng. Thảo quả khô có mùi thơm đặc trưng, vị cay, có chứa tinh dầu, được đem bán làm gia vị hoặc thuốc. Lá thảo quả non có thể thái nhỏ cho vào xào với thịt, đem lại mùi thơm rất lạ và hấp dẫn, đi Putaleng hoặc các núi có thảo quả thì hay có món này.
Từ đây trở đi, dốc sẽ trở lên rất gắt, sẽ có nhiều chỗ bạn phải bám cả vào rễ cây, cây cỏ bụi ven đường mà leo lên. Leo nối đuôi nhau, tốc độ không đều thì sẽ có lúc ngẩng đầu lên là cái mông của người đi trước đập ngay vào mặt.
Nhưng đừng quá lo lắng, nếu có mệt thì đi một đoạn hãy dừng nghỉ một lát, đừng cố theo tốc độ của người khác. Cũng từ đây trở nên, rừng cây sẽ nhiều và lớn hơn, đã có những cây rêu phủ kín, là rêu ngắn, nhưng cũng đủ bắt mắt, cộng với không khí trong lành, tiếng chim kêu cũng đủ làm cho bạn thoải mái đầu óc rồi.
Những thân cây gỗ lớn phủ rêu và thực vật cộng sinh
Nếu đi vào khoảng tháng 3 đến tháng 5, từ đoạn này là bạn đã có thể thấy những cây hoa đỗ quyên rực rỡ sắc màu
Nếu thời tiết thuận lợi và bước đều chân, bạn có thể nghỉ trưa tại một khoảng rừng trống khá bằng phẳng. Đây là một hẻm suối nhỏ, có nhiều hòn đá để ngồi nghỉ.
Độ cao lúc này đã xấp xỉ 2000m, xung quanh lại có cây rừng bao phủ, nên kể cả vào những ngày nắng đi chăng nữa thì chỗ này cũng cực kì mát mẻ, khéo chỉ ngồi có vài phút thôi là đã lành lạnh rồi đó.
Còn nếu đi chậm hơn thì bạn có thể nghỉ ở khu rừng thảo quả bên dưới khi đi hết suối lớn.
Từ con suối nhỏ này đi tiếp sẽ lại tiếp tục lên dốc. Nếu nhìn trên map thì bạn sẽ thấy, quãng đường để lên đỉnh đèo Giang Ma sẽ ngắn hơn đoạn lên dốc trước nhưng đi khéo mất nhiều thời gian hơn ấy chứ. Một phần là vì độ chênh cao lớn hơn, mà ngắn hơn nên dốc sẽ gắt hơn. Một phần là vì đã trek qua nửa ngày rồi, nên tới đây cơ thể đã có những dấu hiệu của sự mệt mỏi. Hãy lại vừa đi vừa nghỉ thôi, giữ nhịp thở đều, đi vừa sức và nhất nhất là đừng cố gắng đuổi theo người khác.
Có hai chỗ nghỉ khá bằng phẳng trên đường đi mà mình hay gọi là “mái đá 1” và “mái đá 2”. Hai chỗ có một tảng đá lớn chìa ra, nên bên dưới có thể dùng làm nơi trú chân và có thể che mưa che nắng. Mái đá 1 còn có nguyên 1 cái hốc người dân làm như một cái hang nhỏ, dùng để ở khi đi rừng.
Bật mí một chút là ở sẽ có sóng điện thoại để gọi điện nhé. Đi trong những khe suối lẩn khuất bên dưới những thung lũng sâu, bị núi chia cắt nên từ khi vào rừng là đã mất hẳn sóng điện thoại. Lên đến đây là đã cao và thoáng rồi, nên sóng sẽ có trở lại.
Từ mái đá 2 đi lên sẽ vào một khoảng rừng trúc, đường đa phần là đất mùn từ lá cây rơi lâu ngày, thường xuyên có sương mù đoạn này nên đất ẩm, cộng với dốc nên rất trơn trượt và nhầy nhụa.
Cái cảm giác mà cứ lên được một bước lại bị trượt xuống hai bước sẽ làm bạn thật sự khó chịu. Và phải dùng cả tay bám và vận dụng hết tất cả các kĩ năng để đi lên. Mình hay nói trêu là từ thiên đường vào địa ngục, vì đoạn dưới đang quang đãng, vào đây bị cây che phủ nên tối sầm, lại khó khăn trong việc đi lên nữa, sẽ vắt kiệt chút sức lực cuối cùng còn lại của bạn.
Nhưng đừng quên tận hưởng những khoảng trời hé lộ sau những tán cây. Vì trước sau gì cũng sẽ tới đích mà thôi.
Lên tới đỉnh đèo thì có thể nói 90% của quãng đường ngày hôm nay hoàn thành rồi. Từ đây sẽ đi xuống khoảng 15-20 phút nữa tùy tốc độ, bạn sẽ tới được lán nghỉ Hồ Thầu do các porter dựng lên. Đừng quên ghi lại hình ảnh khi lên đỉnh đèo nhé, sẽ là một kỉ niệm rất đáng nhớ đó.
Lán Hồ Thầu là một lán gỗ được hoàn thành vào tháng 4 năm 2017. Trước đó thì các đoàn nghỉ ở đây sẽ cắm lều trại tại “bãi trâu” cách lán 15 phút đi bộ. Lán làm bằng gỗ xẻ trực tiếp từ rừng, lợp mái tôn do người dân mang lên theo con đường mà bạn vừa đi qua đấy. Họ còn mang cả chăn chiếu lên để phục vụ khách đi leo núi. Việc làm lán có thể ảnh hưởng tới rừng một phần do chặt cây, nhưng nó cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân ở đây.
Lán nằm giữa rừng, cạnh một con suối chảy róc rách, đến đá cũng được phủ đầy rêu, phủ cả những cây rừng xung quanh, tạo nên một khung cảnh cực kì thơ mộng.
Và thế là sau địa ngục, thiên đường lại mở ra.
Mình không biết phải sử dụng từ ngữ gì nữa để mô tả được hết vẻ đẹp của khu rừng và con suối ở đây, chỉ có vài tấm hình chụp lại.
Hãy dành thời gian mà tận hưởng nhé. Và khi màn đêm buông xuống thì là lúc để thưởng thức những món ăn do chính những người Dao thân thiện chế biến.
2.2 Từ lán lên đỉnh Putaleng
Nằm lọt thỏm giữa 2 sống núi chạy song song, thung lũng có lán nghỉ 2400m có độ cao trung bình trên 2000m, khu vực này gần như là vùng lõi của cánh rừng quanh đỉnh Putaleng. Những đỉnh núi hiểm trở, những con đường dốc đứng, ít người qua lại, nên chỉ cần vài tháng mùa mưa là những con đường mòn lại bị che kín cỏ dại, phải phạt lối mà đi.
Những khu rừng vẫn luôn đẹp như chính bản thân chúng sinh ra vậy, nhưng chỉ cần có một làn mây mù ập tới là tất cả lại trở nên ma mị vô cùng.
Đường từ Lán lên đỉnh có nhiều lối rẽ và rậm rạp, nên nếu không có porter thông thạo dẫn đường thì đừng nên liều lĩnh mà mò mẫm, bạn có thể lạc bất cứ lúc nào. Địa hình đa dạng phân bố theo độ cao, ban đầu là rừng những cây thân gỗ lớn, sau đó đến các khu rừng trúc rậm rạp, và khi lên gần tới đỉnh là rừng đỗ quyên rêu phong che phủ.
Điều đặc biệt là tất cả những thân cây đều được khoác lên mình một bộ áo rêu phong xanh mướt, trông không khác gì một lớp áo lông thú, nhưng đây lại là áo “cỏ cây”.
Len lỏi trong những rừng trúc dày đặc mà gần như bạn chỉ có thể nhìn thấy trong những bộ phim kiếm hiệp, thi thoảng một vài khoảng trống lớn xuất hiện, mở ra một khung cảnh trữ tình đến lạ.
Và gần đỉnh sẽ là rừng đỗ quyên ma mị mỗi khi có một làn mây ùa về.
Và cuối cùng, ở trên đỉnh cao nhất là chiếc chóp inox Putaleng đánh dấu điểm cao 3049m. Khoảng trống trên đỉnh khá nhỏ, chỉ rộng chừng 20 mét vuông, xung quanh lại có cây nên không thể nhìn ngắm khung cảnh xung quanh được.
2.3 Đường về lối Tả Lèng
Cả quãng đường từ bản Pho lên tới đỉnh đã là đủ để thưởng thức vẻ đẹp của núi rừng Putaleng rồi, thế nhưng đường về lối Tả Lèng lại như một phần thưởng “quá sức hấp dẫn” cho những người yêu rừng.
Con đường mòn len lỏi giữa 2 bên là những bụi cây thấp, ra xa tầm mắt là những cây rừng to lớn phủ đầy rêu xanh. Độ dốc thoai thoải, chân được rảo bước chầm chậm, tai được nghe tiếng chim kêu lảnh lót hòa với tiếng suối râm ran, mắt được ngắm nhìn, tâm hồn như được rộng mở, khoan khoái và nhẹ nhàng đến lạ. Cái mệt như tan biến hết, đây đích thị là khu rừng trong truyện cổ tích rồi chứ còn đâu.
Mình cũng không biết miêu tả như thế nào để nói hết được vẻ đẹp của lối về này, chỉ có một số hình ảnh ghi lại được mà chắc mình sẽ nhớ mãi về con đường này.
Thi thoảng một vài khoảng trống xuất hiện, để lộ ra những vách núi đá sừng sững cao chót vót trên đầu, cực kì hấp dẫn.
Cũng như phía Hồ Thầu, đi hết đoạn rừng già phía trên là đến rừng thảo quả, rồi cuối cùng là đến suối lớn và đi dọc suối.
Đi hết con suối lớn, ra đến một cầu treo bằng gỗ đánh dấu cửa rừng phía Tả Lèng.
Từ đây bạn có thể đi bộ tiếp 6 Km đường bê tông xuyên qua cánh đồng ruộng bậc thang để ra bản Tả Lèng, hoặc gọi xe ôm vào chở.
Khác với ở Hồ Thầu, ở Tả Lèng đa phần là người Mông, thuộc nhánh Mông Hoa. Ruộng bậc thang ở Tả Lèng có quy mô khá lớn và đẹp, đi ngắm mùa lúa chín hoặc nước đổ cũng rất đáng. Ngoài ra thì Tả Lèng cũng là điểm xuất phát để leo đỉnh Tả Liên 2996m, cao thứ 6 Việt Nam. Mình sẽ viết kĩ hơn về địa danh này trong bài viết về Tả Liên Sơn.
3. Thông tin cần thiết
- Putaleng là một cung trekking có độ khó tương đối cao, quãng đường cơ bản cũng ngót ngét 30 Km đường rừng nên bạn cần cân nhắc về việc luyện tập thể lực kĩ càng khi chinh phục đỉnh này.
- Có thể đi 2 ngày 1 đêm với đoàn có thể lực đồng đều và tốt, còn với thời gian là 3 ngày 2 đêm thì với người yếu cũng có thể cố được. Tuy nhiên, việc luyện tập thể lực là cần thiết, một là khi bạn mệt quá thì chẳng có tâm trí đâu mà ngắm cảnh, hai là sẽ hạn chế chấn thương cho bản thân.
- Nếu tự đi, bạn có thể liên hệ với các porter sau đây, là những người bản địa có kinh nghiệm và đã được rất nhiều đoàn tin dùng: Lù A Páo (0392 534 751), Chang ( 0389 009 972), Xảo (0964 843 185)
- Còn nếu không có nhiều thời gian lên lịch trình, tìm đoàn ghép, chuẩn bị đồ, thì bạn có thể tham khảo tour của Travel Up, một đơn vị tour khá uy tín về trekking ở miền Bắc.
Tạm biệt và hẹn gặp lại trong phần 3: Tà Xùa – Từ bất ngờ tới vỡ òa cảm xúc