Vải lanh Hà Giang – Tất tần tật những gì mình biết
Vải lanh Hà Giang là một loại thổ cẩm. Đây là một đặc sắc về văn hóa mà dân tộc Mông nơi đây còn giữ được. Mình bị ấn tượng bởi cái cách mà họ làm ra những tấm vải lanh hoàn toàn thủ công và sử dụng các nguyên liệu tự nhiên.
Ở bài viết này, mình sẽ chỉ tập trung vào các công đoạn để làm ra một tấm vải lanh, chỉ ở riêng Hà Giang. Bỏ qua những bài viết nói về việc mỗi người phụ nữ Hmong khi đến tuổi trưởng thành phải biết trồng lanh và dệt lanh…vì điều đó chỉ đúng cách đây mấy chục năm, khi quần áo vải may sẵn chưa thịnh hành, nhiều mẫu mã và rẻ như bây giờ. Hiện nay, người ta duy trì nghề dệt lanh thủ công này dưới dạng các hợp tác xã, việc tập trung làm cùng nhau từng công đoạn sẽ dễ dàng hơn là mỗi người phải tự làm tất cả các công đoạn, dẫn đến việc sẽ giữ được đúng cách làm như truyền thống, không lược bỏ bớt bước nào cũng như thay thế bằng phương pháp hiện đại làm mất đi giá trị của loại vải này.
Điểm qua nhiều bài viết khác, có bài nói làm vải lanh có 7,8 công đoạn, có bài nói mười mấy công đoạn, lại có bài nói tận bốn mấy công đoạn, nhưng nhìn chung, thì các bước để tạo ra một tấm vải lanh Hà Giang sẽ như sau:
Mục lục
1. Trồng cây lanh
Thời điểm trồng lanh bắt đầu vào khoảng cuối tháng Giêng âm lịch hàng năm, khi thời tiết đã ấm hơn. Hạt lanh thường được cất giữ từ mùa trước, những hạt tốt nhất thì được đập và tách vỏ. Người ta gieo hạt rất dày, ít khoảng trống, để các cây lanh khi lớn lên sẽ thẳng, gầy và ít nhánh, vì những cây thân mảnh sẽ cho sợi lanh chất lượng tốt hơn.
Trong khoảng tháng 3 cho đến tháng 5 bạn sẽ rất dễ dàng bắt gặp những ruộng lanh xanh ngắt mà thoáng nhìn qua thì bạn tưởng rằng họ gieo “cần “. Đơn giản là cần sa và lanh (hay còn gọi là gai dầu) đều thuộc họ Canabis, trong khi cần sa có hàm lượng tinh dầu THC (Tetrahydrocannabinol – chất kích thích gây ảo giác lên hệ thần kinh) khoảng 10-30% thì cây lanh chỉ có hàm lượng dưới 0,3%, và vì thế lanh được trồng để lấy sợi, hạt còn cần để trồng vì mục đích khác.
Thời gian trồng lanh từ 70 -80 ngày, khi cây cao được khoảng 2 mét thì sẽ đạt yêu cầu để thu hoạch.
2. Thu hoạch lanh
Tới ngày thu hoạch, cây lanh được cắt, bỏ hết cành nhỏ và lá tại ruộng, chỉ lấy phần thân cây. Phần lá và cành bỏ đi để luôn tại ruộng để ủ thành phân bón. Phần thân sẽ được bó thành từng bó để đem phơi.
3. Phơi thân lanh
Nếu thời tiết thuận lợi, nắng đẹp, thì phơi trong khoảng 7-8 ngày là được. Nhiều khi nắng to quá cũng không tốt, vì vỏ lanh sẽ bị giòn và gãy. Khi đó phải xử lí bằng cách chỉ phơi vài tiếng trong ngày rồi đem vào chỗ mát để. Khi lanh khô đạt yêu cầu sẽ chuyển sang công đoạn tước vỏ.
4. Tước vỏ
Tước vỏ lanh tạo thành những sợi dài dọc chiều dài thân cây lanh, mỗi sợi sẽ dài khoảng 1 -1 mét rưỡi, một thân cây thì sẽ tước được khoảng 5-8 sợi. Phần vỏ lanh là phần thu hoạch chính, còn phần thân lanh sẽ được bỏ đi, có thể làm chất đốt. Sau khi tước, vỏ lanh sẽ được bó thành từng bó, để vào chỗ mát hoặc ủ nilon để có độ ẩm nhất định, chuẩn bị cho công đoạn giã lanh.
5. Giã sợi lanh
Mục đích của giã sợi là làm cho sợi mềm hơn và rụng bớt phần mùn xanh ở vỏ, những phần ở thân cây còn dính lại khi tước. Giã những bó sợi trong những cối giã bằng gỗ, chày giã cũng bằng một cây gỗ lớn, khoảng chừng 30 phút cho một mẻ. Sau đó sợi lanh sẽ được chuyển sang công đoạn nối sợi.
6. Nối sợi
Việc nối các sợi lanh với nhau mất rất nhiều thời gian, phải làm hoàn toàn bằng tay. Người ta tẽ đôi một đầu sợi lanh khoảng 10 cm rồi nối vào đầu một sợi khác bằng cách xoắn chặt lại với nhau, sao cho chỗ nối thật chắc, khó nhìn thấy được. Phụ nữ Hmong thường cuốn sẵn những bó sợi lanh quanh bụng và tận dụng mọi thời gian rỗi để nối lanh, như những lúc đi chợ bán hàng, ngồi tám với nhau, lúc không phải lên nương… Nối sợi vào quấn vào những thanh gỗ cho đến khi cuộn lanh to khó quấn được nữa thì thôi. Những cuộn lanh đã được nối xong sẽ chuyển sang công đoạn se sợi.
7. Se sợi (còn gọi là kéo sợi)
Từ những vỏ lanh tước ra từ thân cây còn lớn, người ta phải se thành những sợi nhỏ và họ dùng một guồng quay hình bánh xe bằng gỗ có đường kính khoảng 70cm. Bánh xe có thể chuyển động khi người ta đạp các bàn đạp rất thô sơ làm bằng tre. Bánh xe này được gắn 4 que tre nhỏ làm lõi cho các con sợi. Sợi lanh thô được kéo ra từ 4 cuộn lanh tròn đã được nhúng ướt và được xoắn thật chặt sau mỗi vòng quay và cuộn vào các que tre. Một tay xoắn sợi, một tay khéo léo đưa sợi vào lõi cho không bị rối. Sau khi se sợi thì những cuộn sợi sẽ chuyển sang công đoạn tháo sợi.
8. Tháo sợi
Người ta dùng một khung tre hình chữ thập lớn để gỡ sợi ra khỏi lõi tre, hết con này đến con khác. Sợi lanh sẽ được gỡ ra và cuốn thành một vòng lớn khi được quay tròn. Trong khi nối thì họ tiếp tục nối sợi lanh cho dài ra, đến khi mỗi cuộn được tầm 2-3 kg thì dừng lại. Việc tháo sợi để kiểm tra lại các mối nối của lanh xem chắc chắn chưa và cắt bỏ những phần thừa, phần nhô ra khỏi sợi. Sau khi được một khối lượng lanh đủ dùng thì chuyển sang công đoạn tiếp theo là nấu sợi với tro bếp.
9. Nấu sợi
Việc nấu sợi với tro bếp để những phần mùn còn lại rụng hết và làm cho sợi lanh có màu trắng. Họ đun những cuộn sợi lanh trong nước trộn với tro bếp từ 3-4 lần để tẩy trắng lanh. Lần đầu tiên khi đun xong sẽ để thành đống, mang ủ khoảng 1 ngày sau đó mang đi giặt với nước suối để cho ra các chất mùn. Cứ như vậy, sau khi giặt thì lại mang đi đun rồi giặt, khoảng 3-4 lần khi sợi lanh trắng đạt yêu cầu thì dừng.
Sau khi giặt lần cuối, họ đun lanh với nước sáp ong, tùy vào khối lượng lanh mà cho lượng sáp ong phù hợp (đa phần dựa trên kinh nghiệm). Đun khoảng nửa tiếng rồi bỏ ra phơi khô, mục đích đun với sáp ong để ở công đoạn lăn lanh sau đó, sợi lanh sẽ mịn hơn, bóng hơn và chắc hơn.
10. Lăn lanh
Họ dùng một khối gỗ trụ đường kính khoảng 40 phân, dài khoảng 1 mét, năng khoảng 50kg và một phiến đá hình chữ nhật dày khoảng 15 phân, nặng cũng tầm 50-60 kg, chiều dài thì phù hợp với tư thế dang hai chân. Người thợ đặt sợi lanh giữa phiến đá và thân gỗ, hai chân đứng trên hai đầu của phiến đá sao cho giữ được thăng bằng, tay đính bám vào một thanh gỗ bắt ngang trên tường, bắt đầu chuyển động từ trái sáng phải, từ phải sang trái liên tục và nhịp nhàng…Khi lăn hết một đoạn sợi lanh bên dưới, họ dừng lại, nhấc một đầu phiến đá lên và kéo đoạn lanh tiếp theo vào, cứ như vậy cho đến khi hết con sợi rồi chuyển qua con khác. Mình đã thử làm việc này rồi và nó thực sự khó khăn vì không dễ dàng để di chuyển một phiến đá nặng như vậy qua lại trơn tru trên một khúc gỗ tròn, mà toàn bộ các công việc này đều do phụ nữ làm.
11. Chia sợi để đưa vào khung dệt
Tiếp tục dùng những khung gỗ hình vuông để tháo sợi và kiểm tra sợi xem có bị đứt không. Rồi sợi lanh được cuốn vào các thanh tre ngắn và đưa vào căng sợi dọc khung dệt
12. Dệt lanh
Đây là một công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo và lành nghề của người thợ. Có những cô dệt đến nay đã 4,50 năm rồi, kể từ khi có 15-16 tuổi. Khung dệt truyền thống của người Mông làm bằng gỗ và tre, có cấu trúc khá đơn giản, luôn được kéo căng bằng một đai buộc quanh lưng người thợ dệt. Trước đây khổ vải khá hẹp chỉ khoảng 30 – 35 centimet, bằng chiều dài từ cạp váy tới gấu váy, còn giờ khi có nhiều đơn đặt hàng từ bên ngoài chứ không còn là nhu cầu sử dụng trong cộng đồng người Hmong nữa thì khổ vải có thể lên tới 50 centimet tùy theo yêu cầu. Người thợ sẽ sử dụng cả 2 tay và một chân để dệt.
Nhìn vào một tấm vải sẽ biết được người thợ lành nghề hay không. Các đường vải có được ráp khít với nhau, có kẽ hở không? Mặt vải có phẳng, có nhiều xơ vải nổi lên hay không? Trung bình mỗi người thợ lành nghề sẽ dệt được khoảng 3-6 mét vải/ngày. Lượng sợi lanh cho vào khung có thể dệt được 100 mét vải nhưng thường khi dệt được 30-40 mét thì sẽ cắt 1 lần vì đống vải đã lớn lắm rồi. Sau khi dệt xong thì vải sẽ được cắt tiếp thành các đoạn 7-10 mét. Mình có hỏi một người thợ vì sao lại cắt thành một đoạn 7-10 mét thì cô bảo rằng, với khổ vải 35 phân thì một ô vẽ sáp ong sẽ là 35×35, một tấm dài 7 mét thì sẽ tròn 20 ô, tương tự như vậy cho vải khổ 50 phân.
Tiếp tục giặt qua vải bằng nước suối và phơi vải để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo, nhuộm vải.
13. Nhuộm vải – vẽ sáp ong
Đây cũng là một công đoạn quan trọng trong quy trình làm vải lanh thủ công.
Một tấm vải lanh sau khi dệt sẽ được lựa chọn để đem nhuộm màu hay là vẽ sáp ong. Thường việc vẽ sáp ong sẽ phải chọn những tấm vải dệt có chất lượng tốt nhất, còn nhuộm màu thì dùng tấm nào cũng được.
Nếu vẽ sáp ong thì sẽ mang vải lên lăn giữa phiến đá và trụ gỗ cho mịn và bóng trước, rồi mới mang đi vẽ. Còn nhuộm màu thì sẽ đem đi nhuộm màu trước, sau khi vải khô thì mới mang đi lăn vải. Trước khi vẽ hay nhuộm còn có một công đoạn là mang tấm vải đi ngâm với nước chua để vải có khả năng thấm màu tốt hơn và không bị phai. Với nhuộm chàm thì sẽ ngâm với nước đậu lên men (nước mà sau khi ép đậu thừa lại), còn với nhuộm màu thì sẽ ngâm với nước chua lấy từ nồi bã rượu ngô sau khi nấu rượu xong.
Vẽ sáp ong
Người ta sẽ dùng bộ bút vẽ với cán bằng tre, đầu ngọn bịt bằng đồng được mài mịn, giữa các khe hở có nhồi bông để giữ nước sáp. Khi vẽ, họ chấm đầu đồng vào sáp ong nóng chảy rồi vẽ những họa tiết truyền thống lên nền vải lanh trắng. Các họa tiết phổ biến có thể kể đến như họa tiết hình tam giác (núi), hình tròn xoáy (con người), hình đối xứng (cặp đôi – vợ chồng), hình có 4 góc (gia đình), hoa lá…Với một tấm vải lanh dài 7 mét thì người thợ sẽ vẽ liên tục trong khoảng 1 tuần thì sẽ xong.
Sau khi vẽ thì vải sẽ được mang đi nhuộm trong vạc nước chàm để nguội (vải màu thì nhuộm trong các bể nước nóng, còn vải vẽ sáp ong phải nhuộm trong các bể nước nguội để không làm chảy sáp ong). Ngâm vải trong vạc nước, sau đó để khô rồi mang đi giặt nước suối, rồi lại tiếp tục đem đi nhuộm. Tùy vào độ đậm nhạt của màu mà sẽ có số lần nhuộm tương ứng, thông thường từ 4-7 lần, nhưng có những màu đậm cần nhuộm tới 9 lần.
Sau khi đạt được màu như ý, tấm vải sẽ được nhúng trong nước nóng để bong hết sáp ong ra. Những phần không có sáp ong sẽ thấm màu chàm, còn những phần được vẽ sáp ong lên không thấm màu sẽ có màu trắng của tấm vải gốc và tạo thành những hoa văn trên đó.
Nhuộm màu
Các công đoạn tương tự nhuộm chàm, nhưng khác biệt là sẽ nhuộm trong vạc nước nóng chứ không để nguội. Cái hay trong công đoạn này là việc tạo ra các màu sắc của tấm vải đều lấy từ các nguyên liệu tự nhiên. Các màu cơ bản thì sẽ dùng từ các loại cây củ lá, ví dụ như đỏ – cây rễ máu, vàng – củ nghệ, tím – lá cẩm, nâu – củ nâu, chàm – lá chàm, hồng, đen…Còn với các màu như xanh nước biển, xanh lá cây, cam…thì sẽ pha bằng sự kết hợp của chính các màu trên. Vì chủ yếu làm bằng kinh nghiệm, phụ thuộc vào sự lành nghề và con mắt của từng người thợ chứ không có tỉ lệ cụ thể nào, nên với mỗi tấm vải sẽ là một màu đậm nhạt khác nhau, không có tấm nào giống y sì tấm nào. Ví dụ tấm đầu tiên là đỏ, nhưng những tấm sau sẽ là đỏ vàng, đỏ cam, đỏ hồng, đỏ đậm, đỏ nhạt…mỗi lần mỗi khác.
14. Rửa và phơi khô
Cuối cùng, sau khi đã được màu ưng ý, cả nhuộm chàm – vẽ sáp ong hoặc nhuộm màu thì tấm vải sẽ được mang đi giặt một lần nữa, lần này là giặt với cả xà phòng để kiểm tra sự lưu màu của các tấm vải.
Với vải màu thì còn công đoạn lăn trên đá và gỗ nữa để cho tấm vải trở lên bóng và mịn.
16. Sử dụng để tạo thành các sản phẩm hoàn thiện
Và rồi, tấm vải lanh đã sẵn sàng để cắt ghép, tạo thành các sản phẩm như túi xách, ví, mũ, quần áo, gối ôm, các bức tranh trang trí…
Như vậy bạn đã thấy được các quy trình để tạo nên một sản phẩm bằng lanh thủ công hết sức kì công thế nào. Vì mất công sức như thế mà hiệu quả sử dụng không thể bằng được so với những loại vải, quần áo công nghiệp hiện đại và giá thành rẻ ngày nay nên vải lanh thủ công có thời gian bị mai một dần trong đời sống của người Hmong. Việc khôi phục lại nghề, tổ chức các hợp tác xã, đưa nghệ nhân về hướng dẫn cho thế hệ trẻ, tìm đầu ra cho sản phẩm là những nỗ lực đáng trân trọng để bảo tồn nét đẹp văn hóa này.