Mộc Là Gỗ

Đi chậm, chậm nữa, chậm mãi

[Ba lần đại chiến Pusilung] Lần 1: Thế nào là “giới hạn” | Kỳ 1

Những cảm xúc lần đầu sống lại

Bỏ cuộc hay tiếp tục? Điểm dừng ở đâu? Còn bao lâu nữa thì đến? Lại đi xuống à? Đôi chân này còn chịu được bao lâu nữa?”

Có lẽ đó là những câu hỏi hiện lên liên tục trong đầu của những người đã trải qua hành trình chinh phục nóc nhà biên giới Việt – Trung này.

Gần 50Km đường rừng cả hai chiều, với số lần đi lên và xuống không dưới 15 lần, Pusilung là tên một ngọn núi cao nhất nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng tất cả đều bị lừa khi chinh phục nó, vì để lên được đỉnh đã phải trèo qua không biết bao nhiêu ngọn núi cao thấp khác.

Hành trình chinh phục đỉnh cao thứ 2 Việt Nam, được coi là cung trekking khó nhất hiện tại này khắc nghiệt về nhiều mặt. Với sức hắn hiện tại, nếu là một thành viên bình thường, có thể đây chưa phải là hành trình khó khăn nhất. Nhưng với một vai trò khác trong đoàn, trách nhiệm nhiều hơn, chứng kiến hành trình của các bạn đồng hành, thì lại là một câu chuyện khác dài hơn, và có nhiều thứ để kể hơn.

Pusilung – 30/4/2018

psl01 - [Ba lần đại chiến Pusilung] Lần 1: Thế nào là "giới hạn" | Kỳ 1
Tracklog Pusilung: ngày 1 ~10 km, ngày 2 ~25 km, ngày 3 tương tự ngày 1. Số lần đi lên và đi xuống không thể đếm được.

Cái đỉnh núi mà nhiều người mất cả năm trời để lên kế hoạch, mất cả vài tháng để hủy lên hủy xuống vì không đủ người, phải đợi đến mấy dịp nghỉ lễ lớn để có thể tập hợp được chục mạng điên như nhau lên núi. Còn hắn thì mất có một ngày để quyết định cái rụp. Số là cả năm trời chưa đi thêm được đỉnh mới nào, quanh quẩn mấy đỉnh cũ, cá biệt có những đỉnh trong tháng đi cả 2 lần.

Trước mỗi dịp lễ như này, bọn hắn phải bận rộn từ cả một tháng trước đó, từ sắp xếp lịch trình, book trước vé xe, dịch vụ, chuẩn bị trang thiết bị, liên hệ người bản địa…để đáp ứng được cho cả chục tour trong dịp lễ cho trên dưới 100 con người. Còn đợi đến sát dịp lễ mới chuẩn bị thì chắc chắn là không kịp. Gần đến ngày đi là lúc phân chia người hướng dẫn, ban đầu hắn cũng chẳng nghĩ đến việc là mình sẽ nhận chuyến này, vì hắn chưa đi Pusilung lần nào cả, hắn dự định sẽ đi vào một dịp nào đó có tour mà mình không phải dẫn, đi cùng theo một leader khác (người hướng dẫn viên trekking thường được gọi là leader của chuyến đi) đã có kinh nghiệm ở điểm này rồi.

Số là, lại số là, ngày hôm đó có chat với nhóm đã từng đi với hắn tháng trước, có mấy người cũng đã đăng ký chuyến đi lần này, ai cũng lo lắng, hỏi han đủ thứ kinh nghiệm để chuẩn bị. Lo lắng là phải thôi, cung trek khó nhất Việt Nam mà, cung trek thử thách ý chí và độ bền bỉ,  cung trek đi sáng về đêm, cung trek mà lần nào cũng có người phải bỏ cuộc giữa chừng, “không dành cho những tay mơ” cơ mà. Nói đông nói tây thế nào, các bạn bảo hay là Bắc dẫn chuyến này đi. – Cơ mà em đã đi lần nào đâu, em không có biết đường. – Nhỡ dẫn lạc thì sao? – Đường đã có porter lo, lạc thì tìm đường, có em là được. “Có em là được”, ôi mẹ ơi, hắn thuộc cái giống dễ dụ, vậy là tặc lưỡi “Ờ, thì đi!”

Hơn 1 năm trời mần mò ở mấy cái đỉnh núi đã quen hết cả các gốc cây, hốc đá đã đi từ trước đó cả năm nữa, giờ hắn mới lại bắt đầu với một đỉnh cao mới, với lần đầu tiên mới. Những cảm xúc lần đầu làm chuyện gì đó lại sống dậy, hắn đọc đi đọc lại những bài viết về Pusilung dù đã đọc cả chục lần trước đó, hỏi đi hỏi lại kinh nghiệm của những leader đã đi (đường xe máy vào xa không, có xấu không, đi mất bao lâu, nước có ở những điểm nào, điểm đó có gì nổi bật, chỗ hay lạc là chỗ này á, đâu zoom cái map lên coi nào…) , cân nhắc xem mình có nên mang cái này, có nên mang cái kia không? Và cho dù có tưởng tượng ra cảnh sắc, cảnh vật ở đó trong đầu rõ ràng cỡ nào đi chăng nữa, thì thực tế của nó cũng khác xa, mang lại sự thích thú vô cùng.

Trong khi hai ông leader khác đang oẳn tù tì để xem ai là người sẽ “phải” đi chuyến này, thì hắn đã đang cân nhắc lựa chọn đồ đạc cho một cái lần đầu tiên mới, cho một đỉnh cao mới. Có lẽ cảm xúc lúc lấy vợ cũng chỉ được như này mà thôi.

Từ đầu tuần của chuyến đi, mọi người đã rối rít cả lên để xem phải mang gì, chuẩn bị những gì. Cung trekking khó nhất Việt Nam cơ mà, không cẩn thận sao được.

Bắp Bò: “Em say xe a Hà đzai đừng nhét em xuống dưới cùng nhé (nếu em ko kịp giờ ra đi xe giường nằm)”
Bắp Bò: “ Nhóm mình, theo em/anh, mỗi người mang ít ruốc hoặc thịt chưng mắm tép đi, phụ với cơm”
Trí Minh Dương: “Từ kinh nghiệm mình thấy mang glucose đi rồi hòa với nước hoặc hít trực tiếp như ma túy rất hiệu quả =))”
Bắp Bò: “Cái đó thì chắc chắn phải mang, em còn mang thuốc giảm đau, vì vừa đi Putaleng em thấy chiều xuống bị khớp gối vấn đề”

Tiến NV: “Mua những gì ấy nhỉ?”

Sầu Riêng: “Ặc, liệu em có đi được không ta?”
“Ko đc thì quay về sợ gì em” Đào Hà
Bắp Bò: “Cao kiến ghê”
Moon Beam: “Sầu Riêng ơi, không đi tiếp đc, bạn Tiến NV kéo lên đỉnh”
Tiến NV: “Oki sẽ đưa lên đỉnh “

Có những người đi được, còn có những người còn phải bỏ lỡ cả chuyến này:
Moon Beam:”Đào Hà, lần sau em kéo cả Tình bờm đi cho anh kèm lên đỉnh.”
Đào Hà: “Tưởng kèm đến cuối cuộc đời thì sợ, chứ kèm lên đỉnh thì ko bõ bèn gì.”

Ngày đi rồi cũng đến. Cả đoàn có 15 người, ngoài chị Moon sẽ đi xe giường nằm lên Mường Tè trước thì cả thảy 14 người còn lại sẽ ngồi trên chiếc xe 16 chỗ, xuất phát từ Hà Nội. Phải chi có thời gian lên Mường Tè sớm bằng xe giường nằm thì đỡ được bao nhiêu, đằng này mỗi người mỗi việc, xong xuôi cũng phải sau 6h chiều, mà 5h xe đã chạy rồi, nên là…, nghĩ đến mà đã ngán ngẩm về cái đoạn ngồi xe hơn 500Km này.

Lịch trình là 7h tối, nhưng mãi phải đến 8h hơn mới bắt đầu xuất phát được. Anh Tiến với chị bạn bận công việc, ra muộn, làm mọi người sốt ruột cả tiếng đồng hồ. Riêng hắn thì lại thấy bao kỉ niệm ùy về ở cái cổng trường ĐH Ngoại Ngữ này. Nếu cách đây tầm 3,4 năm, thời mà xe đi Sa Pa còn chưa phải là Hà Sơn Hải Vân, thì vào những tối thứ 5, thứ 6, ở đây lại như có đại hội anh hùng. Hàng chục người balo lớn balo nhỏ, quần rằn ri giày bộ đội, đồ đạc lỉnh kỉnh, gọi nhau í ới. Phần đông là đợi xe đi leo núi cả. Biết đâu trong những người chưa quen này, ngày hôm sau đã gặp nhau trên đường leo một ngọn núi nào đó. Nhớ những ngày thứ 6 cố làm cho hết việc, trốn sếp trốn đồng nghiệp, nói dối về quê có việc, tắt máy…abc…đủ các kiểu để rồi chạy về xách vội cái balo đã chuẩn bị từ trước, chẳng kịp ăn tối, nằm trên xe mà tim vẫn đập thình thịch. Nhớ những ngày đưa bạn ra để đi, nhìn người người quần quần áo áo mà trong lòng rạo rực, vừa thèm vừa tiếc, chỉ muốn nhảy lên xe mà đi luôn. Ôi, những ngày tháng vàng son!

Lái xe lần này là chú Đạt, người mà vừa chở hắn đi Tà Xùa tuần trước đấy. Nhìn thấy nhau, chú cười. Cái giọng cười khặc khặc không lên được tiếng như kiểu mất giây thanh quản, hơi thoát ra như những luồng gió bị nhốt trong một hành lanh hẹp, cố đập vào những ô cửa sắt nối tiếp nhau để thoát ra ngoài, bị nghẹn từng cục từng cục, khiến điệu cười lạnh ngắt, hơi rợn, làm hắn nhớ mãi. Nhưng bù lại chú là một lái xe nhiều kinh nghiệm và đã từng đi Pusilung, nên đêm đó, cả 10 tiếng đồng hồ, hắn gần như được nghỉ ngơi, dù cũng chỉ chợp mắt được đâu đó hai,ba tiếng khi trời gần sáng, còn lại thì mơ màng trên xe. Để biết lái xe từng đi đường đèo núi và biết đường hữu ích như thế nào, thì hãy xem lần 3 đại chiến Pusilung, hắn đi cùng với một anh lái xe chắc chưa từng rời khỏi mấy con đường trải nhựa phẳng tít, hay có một đoàn khác lái xe cũng chưa biết đường, lead ngủ quên và đi lạc sang tận Điện Biên, mãi tận 10h sáng mới tới được Mường Tè, tưởng toang tour luôn.

14 người trên một chiếc xe, cộng với lái xe thì chỉ còn dư một chỗ của chiếc xe 16, đó là chưa kể còn bao nhiêu đồ đạc nào balo, nào lều trại, túi ngủ. Và thế là, cũng như mọi lần trước đó, hắn lại về với chỗ nằm quen thuộc ở hành lang, chỗ chỉ vừa khít một người nằm xuống không thể cựa quậy, với nào balo, nào túi ngủ, tấm cách nhiệt. Nói vậy chứ đây là một phát kiến vĩ đại trong cuộc đời làm tour của hắn. Số là vậy, hắn bị say xe ô tô, ngày trước đi học xa nhà, chỉ đi tầm 2Km xe bus tới trường thôi mà đã say liểng xiểng, tới tận lúc đi làm tour này. Chỉ khi nằm hẳn xuống mới đỡ không bị say quá ác liệt nữa, nên từ đó, cứ hễ chuyến nào đi bằng xe ghế ngồi, hắn lại cố tìm mấy chỗ để có thể nằm xuống. May là dẫn khách đi leo núi, chứ dẫn mấy khách đi city tour, mấy chỗ ngắm cảnh này nọ, vừa đứng vừa thuyết minh abc thì ôi mẹ ơi…đầu hàng.

Xe nghỉ giữa đêm và lấy đồ ở Sa Pa, rồi tiếp tục lăn bánh xuyên màn đêm tới Mường Tè. Hơn 500km ngồi ô tô là thử thách đầu tiên không hề nhẹ cho những người muốn chinh phục đỉnh cao này. Cả chặng đường, hắn mơ màng, lắc lư theo từng đường vòng uốn lượn như rắn trườn của những con đèo, hai tay lúc nào cũng phải ôm lấy đầu để tránh những cú lắc mỗi khi gặp đoạn đường xấu, đầu không bị va vào chân ghế hoặc thành xe. Những giấc mơ cứ thế đến rồi lại đi thật nhanh, hòa với tiếng động cơ xe rồ rồ không ngớt và tiếng bánh xe chẹn sỏi lạo xạo trên đường.

Có một quãng giữa đêm, hắn thấy bác tài dừng lại giữa đường, 10 phút, 15 phút hay cả tiếng đồng hồ gì đó, để nghỉ ngơi, mà hôm sau nếu không nhìn thấy cái đầu xe phần cạnh đèn pha một bên bị trầy một mảng lớn, lung lay như sắp bung ra thì hắn đã không còn nhớ gì về khoảng thời gian này. Thế mới thấy, Pusilung không chỉ khó khăn với những người chinh phục, mà còn khó khăn cả với các bác tài, dù lái cứng đến thế nào đi nữa. Hôm xuống núi gặp, thấy chỗ vỡ đã được dán decan xanh đỏ để che lại, trông khá đẹp và như chưa hề có một vụ va chạm, hắn đùa bảo “Đẹp đấy”, thì lại là điệu cười khục khục đấy đáp trả với đôi mắt ti hi bóng lẹm.

Trời sáng, nên ánh sáng từ bầu trời chiếu qua cửa kính, xuyên từ trên xuống chỗ hắn nằm, chiếu thẳng vào mắt, không thể cố ngủ được nữa, lần mò cái điện thoại check map, vẫn còn cách thị trấn Mường Tè tầm 15Km nữa, 6h15. Chú Đạt lái xe thẳng vào điểm tập kết ở Mường Tè, là một nhà hàng mà bên tour đã có liên hệ từ những lần trước đó. Đồ ăn đồ uống cho chuyến đi đã được chuẩn bị trước bởi ông chủ quán. Porter có A Páo ở Hồ Thầu, gần Tp. Lai Châu và mấy porter bên Phong Thổ đã qua đây từ tối hôm trước. Chị Moon đi xe giường nằm lên cũng đã tới được quán.

Mường Tè, vùng đất như bị lãng quên của rìa phía Tây đất nước, lẩn khuất giữa muôn trùng núi non nơi tận cùng của cuối trời Tây Bắc. Mường Tè nằm lọt thỏm giữa hai “bức tường” sừng sững, một bên là dãy Tà Tổng ngăn cách với Mường Nhé, Điện Biên, một bên là phần đầu của dãy Hoàng Liên Sơn khi đi vào Việt Nam với đỉnh cao nhất là Pusilung huyền thoại, phía tận cùng là đầu nguồn con sông Đà hiểm trở, khúc khuỷu không thuận lợi cho giao thông, phía ngoài thì bị dòng Nậm Na cắt mặt khiến vùng đất này như bị cô lập với thế giới. Quốc lộ 12 chạy dọc theo dòng Nậm Na nối Mường Lay – thủ phủ của người Thái trắng sang Phong Thổ cũng bỏ quên Mường Tè, đường lên đây cũng chỉ là những con đường nhánh gập ghềnh khúc khuyủ chạy dọc sông Đà. Ngay cả con đường mới từ Pa Tần lên trung tâm thị trấn, đường đẹp hơn, ít cua và dốc hơn cũng mới được hoàn thiện tầm dăm năm trở lại đây. Chẳng mấy ai xuyên từ Mường Tè, qua Pắc Ma, vượt rừng Tà Tổng để sang Apachai, sang Mường Nhé. Vì vậy mà một năm, có mấy ai mò lên đây, lại càng có mấy ai đi Pa Vệ Sử, leo Pusilung làm gì. Bảo sao, nghèo khó vẫn hoàn nghèo khó là vậy.

Tới nơi thì vệ sinh ăn sáng nhanh gọn rồi lấy đồ, nhưng cũng phải mãi đến 9h sáng mới có thể xuất phát từ thị trấn đi được. Đường từ thị trấn lên Pa Vệ Sử thẳng theo hướng Bắc mà tiến, dọc theo một nhánh suối lớn có tên là Nậm Xì Lường mà đến tận ngày quay ra hắn mới nhìn rõ được nó. Lều trại, túi ngủ, balo, thêm đồ ăn cho 19 người trong 3 ngày nữa, cộng thêm chị Moon nhập đoàn thì hắn lại phải chở về cái chỗ nằm quen thuộc ở hành lang xe. Lại rơi vào trạng thái mơ màng, lắc lư lắc lư, mỗi lần mở mắt ra thì chỉ nhìn thấy những ngọn cây trên cao ở rìa taluy đất phía trong xoay mòng mòng theo từng nhịp di chuyển của chiếc xe. Bầu trời ầng ậc mây từng mảng đen trắng cuộn xoáy vào nhau như ai đang quấy một cốc bạc xỉu khiến hắn không khỏi lo lắng. Nằm ở đây, hắn có thể nhìn thấy từng người trên xe qua những cái bóng phản chiếu trên lớp bọc nhựa trên trần xe, nhưng nó cũng đang mơ hồ như chính đầu óc hắn vậy.

Một tiếng 30 phút cho một quãng đường vỏn vẹn có 35km, đến ngã ba lối rẽ lên đồn biên phòng Pa Vệ Sử thì xe dừng lại. Được biết, cả đoàn sẽ phải đi xe ôm thêm 9 km nữa, qua bản Sín Chải A để đến bìa rừng, là nơi bắt đầu xuất phát.

2018.4.30 pusilung 1024x683 - [Ba lần đại chiến Pusilung] Lần 1: Thế nào là "giới hạn" | Kỳ 1
Dừng xe tại lối rẽ lên đồn biên phòng Pa Vệ Sử

Hắn để mọi người ở lại phân phát nước và sắp xếp đồ rồi cùng A Páo lên đồn làm thủ tục leo núi. Vì đỉnh nằm trên đường biên giới, nên mọi hoạt động ra vào đều phải thông báo và được sự đồng ý của bộ đội biên phòng quản lý khu vực đó. Có nhiều khu vực khác, chỉ vì khó khăn ở khâu này, mà cả đoàn phải quay về sau khi đã chuẩn bị biết bao công sức chuẩn bị, luyện tập và di chuyển lên được tới chân núi. Rất may là đồn Pa Vệ Sử là một trong những đồn biên phòng thân thiện nhất mà hắn từng được biết, các anh tạo mọi điều kiện cho đoàn leo núi, còn bảo hôm xuống núi quay lại đồn mà tắm táp rồi hẵng xuống thị trấn. Ở cái nơi tận cùng Tây Bắc này, thấy người lên chơi là đã quý lắm rồi.

2018.4.30 pusilung 8 1024x683 - [Ba lần đại chiến Pusilung] Lần 1: Thế nào là "giới hạn" | Kỳ 1
Ảnh A Páo chụp cho lúc làm thủ tục cho đoàn xong

Làm thủ tục rồi tiếp tục đi xe ôm tới chân núi trên con đường đất đổ cấp phối lổn nhổn đá hộc bằng nắm tay, ngồi trên xe mà như ngồi trên máy đầm đất, thi thoảng còn phải đi như làm xiếc thăng bằng qua mấy đoạn bị nước mưa xói thành rãnh sâu cả mét dọc theo con đường, vừa đi vừa phải bám chặt baga sau, tay tê cứng mà chẳng dám ho lên một tiếng. Vật lộn với quãng đường xe ôm kinh hoàng, hắn là người tới nơi cuối cùng, cũng là lúc cả đoàn chuẩn bị xong xuôi, chỉ đợi lead đến là xuất phát.

2018.4.30 pusilung 2 1024x768 - [Ba lần đại chiến Pusilung] Lần 1: Thế nào là "giới hạn" | Kỳ 1
Đường vào chân núi, phía dưới kia là con đường cấp phối chạy dọc suối Nậm Xì Lường, con suối bắt nguồn từ đỉnh Pusilung, chảy thẳng ra Mường Tè, hòa vào dòng sông Đà hùng vĩ.

Hít hà cái không khí quen thuộc của núi rừng, hắn nhủ “vậy là bắt đầu rồi!”, trong lòng lẫn lộn cái cảm xúc rần rần phấn khích pha chút sợ sệt mà chỉ có ở những lần đầu tiên trải nghiệm một cái gì mới mẻ. Thổi căng lồng ngực bằng một hơi dài, kiểm tra lại tracklog và xem đồng hồ, hắn rảo bước tới với các bạn đồng hành chắc cũng đang cùng chung một tâm trạng.

2018.4.30 pusilung 3 1024x684 - [Ba lần đại chiến Pusilung] Lần 1: Thế nào là "giới hạn" | Kỳ 1
Điểm bắt đầu trek, đây cũng là điểm cuối cùng xe cộ đi đến được. Đi tiếp con đường kia sẽ lên cao nữa, đến bản Sín Chải B, là bản người La Hủ ở cao nhất Pa Vệ Sử. Từ bản này sang Trung Quốc còn gần hơn xuống trung tâm thị trấn
2018.4.30 pusilung 4 1024x684 - [Ba lần đại chiến Pusilung] Lần 1: Thế nào là "giới hạn" | Kỳ 1
Từ trái qua phải: Anh Tuấn bí ẩn, anh Toàn đảm đang, anh Phong lớn tuổi nhất đoàn nhưng có cơ thể mà bao gã trai trẻ phải thèm khát, anh Trọng phía trước và anh Trí phía sau, team 3 chàng trai Điệp Mun “tóc dài”, anh Đỗ Anh, anh Hải ca sĩ, chị Sầu Riêng, anh Bò phía sau, anh Tiến với bạn là chị Thủy “lần đầu đi trekking”, chị Mun. Ông Đạt Bông “người rừng” thì lúc này không biết chạy đâu và hắn – lead và cũng là người trẻ nhất đoàn.

(Hết kỳ 1)

3 Comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *