Những đỉnh núi đẹp nhất Việt Nam| Phần 1| Pờ Ma Lung – Vườn địa đàng bị lãng quên
Có một đỉnh núi bị quên lãng cạnh những Fansipan, Ky Quan San (Bạch Mộc Lương Tử), Putaleng, Pusilung, Tả Liên, Lảo Thẩn…mãi đến tận đầu năm 2016 mới được khám phá ra bởi những người đam mê leo núi.
Bắt đầu loạt bài viết trong series về những đỉnh núi đẹp ở Việt Nam là một đỉnh núi không phải quá mới nhưng vẫn khá ít các thông tin chính xác cho đến thời điểm hiện tại.
Để đánh giá về độ đẹp của một địa điểm thì chỉ mang tính tương đối vì quan niệm đẹp xấu của mỗi người là khác nhau, theo quan điểm của người viết, vẻ đẹp của một ngọn núi được tổng hợp theo các tiêu chí “sự đa dạng của rừng, các góc nhìn đẹp và độc đáo, độ hoang sơ, sự thân thiện của người dân và cảnh quan khu vực lân cận núi”.
Bài viết không tránh khỏi những thiếu sót, rất vui lòng khi có được góp ý của bạn để tác giả có được cái nhìn khách quan hơn.
Nào, hãy bắt đầu…
Mục lục
1. Tên gọi và vị trí
Pờ Ma Lung là một ngọn núi nằm trên đường biên giới Việt – Trung, hay còn được biết với các tên khác là Phai Mu Leng, Bạch Mộc Lương trên bản đồ quân sự Việt Nam. Nếu nghe đến đây thì chắc hẳn nhiều người sẽ bảo liệu có phải là đỉnh Bạch Mộc Lương Tử ở Bát Xát, Lào Cai không? Nhưng tên gọi Bạch Mộc Lương Tử hay chính xác là đỉnh Ky Quan San có thể bắt nguồn từ chính đỉnh núi này, vì một sự nhầm lẫn của những người đầu tiên tìm hiểu về nó mà gọi chệch thành như vậy. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ gọi hoàn toàn là đỉnh Pờ Ma Lung theo như cách gọi của những người bản địa ở đây.
Đường lên đỉnh Pờ Ma Lung gần nhất xuất phát từ bản Nà Đoong, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Xuất phát từ thành phố Lai Châu theo hướng đi huyện Phong Thổ 25Km, đến ngã ba Phong Thổ – Mường So, rẽ phải theo quốc lộ 100 qua thị trấn Mường So khoảng 500m sẽ thấy một đường rẽ phải vào tỉnh lộ 132, từ đây đi thêm 15Km nữa là bạn sẽ đến được trung tâm xã Bản Lang. Rẽ phải theo cầu treo qua suối thêm 6Km đường nữa là đến bản Nà Đoong – nơi gần nhất chân núi Pờ Ma Lung.
Bản Lang là một xã biên giới của tỉnh Lai Châu, có 2,9 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; địa hình phức tạp phần đa là đồi núi dốc, núi đá; có 5 dân tộc cùng sinh sống phân bố trên 14 bản, trong đó dân tộc Dao chiếm 2/3, còn lại là các dân tộc Thái, Giáy, Mông, Kinh.
Từ Nà Đoong là điểm cao nhất, đồng lúa rộng lớn cả ngàn hecta chạy dọc ra đến tận xã, xen kẽ là các bản làng của người dân. Đây có lẽ là một trong những điểm mình rất thích ở Pờ Ma Lung, những ruộng bậc thang uốn lượn với bờ đá, hướng thẳng ra phía Tây, với một ngày nắng chiều đẹp thì là một điểm lí tưởng để ngắm hoàng hôn.
Bản Nà Đoong là một bản nhỏ của người Dao Đỏ với khoảng 50-60 nóc nhà, nằm tựa lưng vào chân dãy núi có đỉnh Pờ Ma Lung và nhìn hướng ra phía cánh đồng rộng lớn.
Tôi đã có dịp được ngủ lại bản và đi vòng quanh để quan sát cuộc sống của người dân ở đây, dù thời gian không được dài lắm. Những ánh mắt tò mò vì thấy một người lạ đi quanh bản, những đứa trẻ có đôi chút sợ sệt, xấu hổ nhưng lại lạ lẫm với ống kính máy ảnh, điều đó làm cho tôi cực kì thích thú. Khi phá vỡ được lớp vỏ bên ngoài đó, họ như những người bạn lâu năm của mình vậy.
Không khí trong lành, yên tĩnh, mướt mắt bởi màu xanh của những ruộng lúa, đồi chuối, vườn cây, tiếng rì rầm của con suối và sự thân thiện của những người dân, còn gì tuyệt vời hơn cho một bản làng như vậy.
Để tiết kiệm thời gian leo núi, bạn sẽ cần phải đi xe máy thêm khoảng 4Km đường đất khá xấu nữa mới tới được điểm bắt đầu trek. Con đường xuyên qua cánh đồng lúa, các con suối, uốn lượn quanh co ven các hàng rào đá.
Phía xa trên bức ảnh kia được gọi là núi Mỏ Quạ, vì tới gần đỉnh thì ngọn núi bỗng bị thắt lại thành một chỏm nhỏ nhọn hoắt chĩa thẳng lên trời, trông như hình dáng đầu của một con quạ. Những đỉnh núi như này mang tính biểu tượng và tâm linh rất cao với người dân ở đây, phần nhiều có lẽ ở sự hùng vĩ của nó cùng với các câu chuyện lưu truyền từ xa xưa.
Và tới đây, hành trình leo núi của bạn mới thực sự bắt đầu.
2. Hành trình leo núi
Những dốc gắt ngay từ lúc bắt đầu
Dùng cả tay bám để hỗ trợ đôi chân. Tuy nhiên đoạn này không dài, tiếp đó bạn sẽ phải đi dọc theo một đường ống dẫn nước từ trong suối ra.
Ở đoạn đường ống này, bạn sẽ gặp một con thác cực kì lớn mà người ở đây vẫn gọi là thác Rồng. Dòng thác đổ xuống hàng trăm mét từ trên cao trắng xóa như một dải lụa, chưa nhìn thấy hình mà đã nghe thấy tiếng ầm ầm từ xa dội lại.
Nếu bạn đã từng ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của thác Háng Tề Chơ ở Phìn Hồ, Văn Chấn, Yên Bái thì chắc thác Rồng này còn hùng vĩ hơn hẳn. Hành trình lúc đi bạn sẽ theo đường ống nước này, còn lúc về sẽ theo một đường khác để vào tận chân thác, lúc đó bạn sẽ được thưởng thức làn nước mát lạnh đặc trưng.
Nói không ngoa thì Pờ Ma Lung là xứ sở của các con suối, trong suốt hành trình chinh phục đỉnh núi này, thì bạn đi ven suối, dọc suối, cắt suối, đến khoảng 70% quãng đường gắn với suối.
Qua đoạn suối này bạn sẽ lên một con dốc dài men theo triền núi, một bên là bờ vực.
Đoạn này là đoạn đi vòng ra phía sau núi Mỏ Quạ, từ đây bạn có thể nhìn thấy cái “lưng” của núi Mỏ Quạ, nguyên một khối đá khổng lồ nhẵn thín, độ dốc khéo phải lên tới 60,70 độ.
Vẫn tiếp tục bám theo những con suối, có những đoạn khá khó khăn để đặt chân.
Một điều mình rất thích ở Pờ Ma Lung là chất lượng nước cực kì sạch và ít cặn ngay từ những đoạn bắt đầu băng suối, bạn có thể uống trực tiếp dòng nước ấy mà không có vấn đề gì cả, đồng nghĩa với việc lượng nước ban đầu phải mang sẽ ít đi, khối lượng balo được giảm.
Đến đoạn này, có lẽ là đoạn suối đẹp nhất của Pờ, cả lòng suối rộng cả 200,300 mét vuông như một quảng trường giữa rừng già hiện ra trước mắt khiến ai cũng phải choáng ngợp.
Những hồ nước lớn giữa núi rừng Tây Bắc,
Khiến chúng ta cảm thấy thật nhỏ bé trước thiên nhiên,
Từ đây đi thêm khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa, thảm thực vật thay đổi không ngừng, từ rừng chuối, rừng tre, thảo quả, rừng cổ thụ.
Bạn sẽ đến con suối cuối cùng của ngày đầu tiên, trước khi lên một con dốc nổi tiếng của Pờ Ma Lung được gọi là “dốc 3 giờ”.
Gọi là “dốc 3 giờ” vì để đi hết con dốc này, bạn phải mất 3 tiếng đồng hồ với tốc độ của một người bình thường. Tính đến giờ, tôi đi Pờ đã là lần thứ ba, và vẫn còn cảm thấy rùng mình khi nghĩ về con dốc này. Các dốc dài và gắt nối nhau liên tiếp không có điểm dừng bằng phẳng, đường mòn toàn lá khô trơn trượt, rất khó để bám vào các cây rừng để leo lên.
Lần đầu tiên đi Pờ, lúc đó tôi cũng không phải là dạng newbie leo núi nữa, nhưng tôi không nhớ được mình đã chửi thề bao nhiêu lần ở con dốc này, bao nhiêu lần tôi phải hét lên vì đi mãi mà chưa hết dốc. Cơn mưa lớn xuất hiện vào lúc mệt mỏi nhất, những con vắt bò lều nghều chỉ trực bám vào chân, những bước chân trơn trượt đi bằng cảm giác, những hạt mưa rơi lộp bộp trên tà áo mưa thấm qua cổ.
Dốc 3 giờ có thể đi hết mất 3 giờ, cũng có thể là 2 giờ hoặc 4,5,6 giờ gì đó, tùy vào tốc độ của bạn.
Qua được dốc 3 giờ, đến một rừng thảo quả rộng lớn là bạn đã đến được lán nghỉ đêm của Pờ Ma Lung. Lán bằng gỗ mới được dựng xong vào tháng 1/2019, bởi các anh em của porter Phú Chỉn trong bản Nà Đoong. Lán 2 tầng khang trang và kiên cố, đủ chăn ấm có sức chứa khoảng 40 người.
Đây có lẽ là lán nghỉ trong rừng có khung cảnh đẹp nhất; giữa một rừng thảo quả rộng lớn núp dưới bóng của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, bên cạnh là con suối nhỏ chảy róc rách suốt ngày đêm.
Nhiều người đã hỏi chúng tôi rằng: Tại sao lại có thể đi một đỉnh núi nhiều lần đến vậy, không cảm thấy chán hả? Tôi vẫn muốn thưởng thức cánh rừng của Pờ Ma Lung trong một đêm không trăng, trời trong và đầy sao, nếu may mắn còn thấy cả mikiway nữa. Nhiều khi, con người ta muốn làm một việc gì đó chỉ để đắm mình trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, như thế đã đủ để có lí do chưa?
Đường từ lán nghỉ lên đỉnh là tổng hợp của rừng thảo quả, rừng rậm, rừng tre trúc và suối. Có những lúc bạn phải chui bên dưới những tán lá thảo quả, những con đường mòn lờ mờ vắng dấu chân người, không cẩn thận đi một đoạn ngước lên nhìn là đã bị lạc khỏi con đường chính; có những lúc đi dọc theo con suối rồi đến một bờ vực không thấy đường đi tiếp, hoang mang một hồi hóa ra đường ở trên đầu, phải đi vắt qua một rìa núi nhỏ mà không nhìn thấy, rồi rừng tre, rừng trúc và những lối mòn lúc lên lúc xuống, cảnh sắc thay đổi không ngừng làm cho con người ta thấy choáng ngợp và đôi chút sợ hãi.
Đứng dưới những thung lũng thảo quả nhìn lên, như đứng trong một rạp hát Opera vậy, những “mái vòm” của những cây cổ thụ xòe tán bao phủ lấy bầu trời, để lộ cả không gian rộng lớn phía dưới, để cho chim chóc, cây cối và gió ca vang bản hòa tấu của núi rừng.
Rồi một tấm biển báo khu vực biên giới xuất hiện viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Trung và tiếng Anh. Trải qua quãng đường như vậy, chúng tôi thực sự cảm thấy khâm phục những con người mang vật liệu lên để làm tấm biển này. Tới đây coi như đã được nửa đường lên đỉnh, từ đây trở đi, cảnh vật đa phần là các rừng tre và trúc, các cây thân gỗ không lớn lắm, trong đó có cả đỗ quyên.
Và rồi đỉnh Pờ Ma Lung cũng phải xuất hiện, ở tận cuối con đường, sau tất cả những nỗ lực.
Và hành trình đi tìm nơi cao nhất của ngọn Pờ Ma Lung kết thúc, vương vấn sự tiếc nuối cho những người trở về.
Đường về bản sẽ có đoạn bạn không cần đi qua đường ống nước nữa, mà theo một con đường khác xuyên qua những vườn chuối để xuống chân thác Rồng gặp lúc bắt đầu vào.
Và phải thêm 1 đoạn chui lủi ngắn nữa, men theo những sườn dốc, con thác hùng vĩ và rộng lớn hiện ra trước mắt.
Và tận hưởng làn nước mát lạnh thôi.
Những mệt mỏi dường như tan biến hết, một hành trình dài đã vượt qua, và Pờ Ma Lung còn không quên tặng quà chúng tôi nữa,
Và hoàng hôn ở cây đa thần bản Nà Đoong, đã khép lại không thể hoàn hảo hơn chuyến ghé thăm vườn địa đàng bị quên lãng.
3. Thông tin cần thiết
- Độ cao của Pờ Ma Lung là 2967m so với mực nước biển, nhưng quãng đường khá dài (>30m) và chênh cao ~2000m nên đây là một cung khá khó.
- Vì đỉnh thuộc khu vực biên giới với Trung Quốc, nên bạn cần phải xin phép đồn biên phòng để đi được; có biên phòng cắm bản tại Bản Lang, bạn cần mang đủ chứng minh thư để làm thủ tục ở ủy ban xã Bản Lang.
- Nếu đi nhóm nhỏ, thuận lợi nhất là bạn đi xe khách lên Tp. Lai Châu, rồi thuê xe máy từ đây để đi lên Bản Lang. Còn không thể tự đi và lo lắng về sự an toàn, cần dịch vụ từ A-Z thì bạn có thể tham khảo tour của bên Travel Up (click để tới web), một đơn vị rất chuyên nghiệp tổ chức các tour leo núi ở miền Bắc Việt Nam, với đầy đủ các núi.
- Cẩn thận vào các ngày mưa và mùa mưa, vì nước suối có thể lên rất cao và nguy hiểm, nên liên hệ trước với Porter để hỏi thăm tình hình thời tiết trên đó. Nếu nước quá lớn, hãy cân nhắc việc dừng hành trình và chuyển sang một thời gian khác.
Tạm biệt và hẹn gặp lại trong phần 2:
Putaleng – Khu rừng cổ tích đắm chìm băng giá
Bài và ảnh: Mộc Lago