Kinh nghiệm bao nhiêu là đủ?
Sáng chủ nhật tỉnh dậy với một tin nhắn trong nhóm chat rằng có một nhóm bạn vừa bị lạc trên núi vì thời tiết mưa và mù mất phương hướng, thiếu đồ giữ nhiệt, lại quá ít porter (người dẫn đường bản địa) đi cùng dù trong đoàn đã có thành viên có 10 năm kinh nghiệm trekking. May sao đã nhờ thêm được người bản địa trợ giúp tìm kiếm, và xuống chân núi vào 3 giờ sáng hôm sau. Câu chuyện đã làm nảy lên trong đầu mình câu hỏi “Vậy kinh nghiệm bao nhiêu thì đủ?”
Lần đầu tiên mình bị lạc trên núi cách đây 5 năm, cũng trong điều kiện mưa phùn nhỏ và mù. Hồi đó còn mới đi trekking, chưa có gặp kiểu thời tiết như này bao giờ. Cứ nghĩ rằng bên dưới mù thì lên trên nó sẽ quang, nhìn thấy được biển mây..bla..bla (việc trời bị mù ở nơi bạn đứng và lên trên có quang hay không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết thực tế của khu vực đó vào thời điểm đó). Thế là hai thằng hí hửng lên đỉnh sớm từ 3 rưỡi sáng, có một porter dẫn đường, lên tới nơi thì trời vẫn chưa cả sáng và mọi thứ thì vẫn mịt mù. Thế là mới kêu porter về trước để dẫn nhóm sau lên (đợt đó đi 10 người mà cũng chỉ có 2 porter) và 2 thằng ở lại trên đỉnh để đợi đoàn lên cùng và tiện thể đợi cho trời nó quang. Mà không nghe lời porter bảo rằng “Trời này chắc cả ngày không quang được hết đâu anh”.
10 phút sau, porter đã đi xuống, 2 thằng rét quá nên rủ nhau xuống thấp hơn một chút để xem có hốc cây nào chui vào cho đỡ gió và lạnh không. Đi được tầm trăm mét thì tá hỏa, “ủa, vừa nãy mình đi hướng nào lên nhỉ?”, “sao giờ nhìn chỗ nào cũng thấy lạ vậy?” khi toàn bộ xung quanh cách xa khoảng 5 mét là một màu trắng đục, không rõ bên dưới là đường mòn hay vực nữa. May sao kiếm được một cái gốc cây có cái tán lá nhỏ chìa ra, vừa đủ để che được sương bay, và vẫn còn mang theo một cái bật lửa với ít cồn khô sau hàng giờ ngồi tra google để đọc về kinh nghiệm leo núi, nhóm được một “đốm” lửa nho nhỏ sưởi 2 cái bàn tay lạnh cóng.
Cả tiếng đồng hồ sau mới thấy cả đoàn chậm rãi đi lên, thở hổn hà hổn hển. Chụp mấy tấm hình lưu niệm trên đỉnh rồi cũng cùng nhau mà té xuống. Ông porter đi trước, rất nhanh, đoàn lo lạc nên người khỏe đi trước, người yếu theo sau, lúc đó cũng toàn người có ít kinh nghiệm, nên chả mấy chốc mà tách nhau ra. Mình thuộc top giữa giữa nên cũng mất dấu porter, và một lúc sau thì cũng rơi vào trạng thái lạc trong mù, chả biết chỗ nào là vực, chỗ nào là đường, và nhìn lại phía sau cũng là một màu trắng xóa, xung quanh là một màu trắng xóa. Tiếng gọi nhau í ới dù chắc chỉ cách nhau khoảng hai, ba chục mét. Và rồi tụ lại được với nhau, lần dần cũng về được tới trại, chả hiểu bằng cách nào. Ông porter thì phân bua “đoạn dưới này dễ rồi, nên em đi trước” và chắc hẳn không ít người có suy nghĩ trong đầu “dễ cái gì mà dễ mày”. Dễ với các ông ấy nhưng chắc chắn là không dễ với những người trekking lần đầu, lần hai hay chưa gặp kiểu thời tiết này bao giờ.
Một lần khác, cũng vẫn cái đỉnh đó, mình tự tin khi có kinh nghiệm tìm đường khi đi trong sương mù rồi nhưng chưa có kinh nghiệm giữ nhiệt cơ thể. Thế là sau mấy tiếng đồng hồ dầm mưa, để nước ngấm vào cơ thể, lúc đó lại là lúc đang leo đỉnh, người mình nặng trĩu, cảm giác như toàn bộ cơ bắp biến đi mất, nhấc cái chân nặng trịch từng bước từng bước mà vẫn thở hổn hển. May sao, có mang theo một tấm bạt che mưa và cồn khô, dựng lên để tránh nước, đốt cồn sưởi lại và thay quần áo khô, mặc áo mưa vào và thế là lại khỏe như lúc ban đầu.
Một lần khác, khi mình đã có nhiều kinh nghiệm trekking hơn rồi, và đang dẫn đoàn, trong từ trên đỉnh xuống thì có rất nhiều lối rẽ trong những bụi cây nhỏ được tạo ra do khu vực đó người dân bản địa họ thả trâu trên rừng, và thế là cũng lạc cái lối chính lúc đi lên đỉnh. Nhưng cứ lần theo hướng mình đi ban đầu và vẫn về được tới trại, chỉ có điều là quãng đường đi xuống lòng vòng hơn rất nhiều cái đường đã đi lên ban đầu.
Một lần khác, đoàn cũng ít người, một bạn nam đã có kinh nghiệm trek đỉnh đó tự tin đi cùng với một bạn nữ chưa đi chốt cuối cho mình. Mình dẫn một nhóm về trước lúc 6 giờ tối, và đã phải lộn lại để tìm hai bạn kia, tới tận 8 giờ mới gặp nhau được. Bạn nữ 28 tuổi, đã đi mấy chục nước lớn nhỏ, khóc tu tu khi nhìn thấy mình, và gọi điện về cho bố mẹ ngay khi kiếm được chỗ có sóng. Bạn nam kia đã có kinh nghiệm đi ban ngày đỉnh này, còn ban đêm thì chưa. Về tới lán là hơn 10 giờ đêm.
Một lần khác, mình khi đi đã có rất nhiều kinh nghiệm đi núi rồi, để cho 3 người khỏe nhất đoàn, tự tin đi xuống đỉnh trước, mình thì đi top 2 với một nhóm và porter chốt cuối với một nhóm yếu nhất. Và rồi top mình về tới trại là 10 rưỡi đêm, tá hỏa khi không thấy nhóm đi đầu đâu. Một anh tách top mình định đuổi top trên, cũng phải dừng lại cạnh bờ suối đợi nhóm mình vì không tìm thấy đường, sau khi đã đi ngang đi dọc vòng vòng quanh khu đó. Nhìn những đường cong uốn lượn của các sống núi đen kịt nổi bật trên nền trời đầy sao, mình cũng chỉ biết bất lực báo tin về, đợi cho đến sáng sớm hôm sau quay lại tìm. May sao 2 giờ sáng thì nhóm đó mò được về. Hỏi ra thì mới biết đã lạc ngay từ đoạn xuống đỉnh, đi nhầm sang bên Trung Quốc. Trong khi hai thanh niên trẻ hơn muốn đi xuống lối dễ dàng kia rồi tính tiếp, thì bác lớn tuổi nhất, hơn 60 tuổi quả quyết phải quay lại đỉnh để lần lại cái đường cũ. Sau 2 lần lên và xuống, trước khi hai thanh niên kia nản chí, may sao nhóm đó cũng tìm được về đúng đường trước khi trời tối.
Một lần khác, trong một đỉnh có độ khó khá cao, mọi người thì lo sợ đi tối nên ai đi được nhanh thì cố đi nhanh, mình tụt lại với 2 cô gái. Lúc đó, họ đã rất mệt rồi, chỉ biết đi theo và đi theo, luôn miệng nói “ủa có đúng đường không vậy, sáng mình có đi đường này không nhỉ?”, nói chi đến việc tỉnh táo mà tìm đường nữa.
Vậy kinh nghiệm bao nhiêu thì đủ?
Trong những vụ tai nạn thương tâm khoảng 3 năm trở lại đây của hình thức du lịch trekking leo núi mạo hiểm (dù núi đó có dễ như nào, nó vẫn được xếp là du lịch mạo hiểm, và chắc chắn nó tiềm ẩn nguy cơ mạo hiểm) thì yếu tố gây ra tai nạn lớn nhất đó là “chủ quan”. Càng những nơi có độ khó thấp, đường đi dễ dàng thì tỉ lệ tai nạn càng lớn, mà sau khi xảy ra rồi thì người ra mới kháo nhau “Ủa cái cung này dễ òm sao mà như thế được nhỉ?”, “chắc do ma trêu”…Các bạn chỉ biết đến khu vực đó vào thời điểm mà thời tiết nó đẹp nhất, ít cực đoan nhất. Nhưng rồi khi mưa bắt đầu ập xuống, một số hình thái cực đoan như lũ quét, lũ ống xuất hiện do sự thay đổi khí hậu toàn cầu, do rừng bị phá…mà những năm trước nó không xuất hiện ở đây, năm nay đột ngột xuất hiện. Và thế là…
Một lần khác, mình đi chuyến đó cùng một lão làng trong hội thích leo núi, là một người phát hiện và mở đường khá nhiều cung trek ở Việt Nam. Trong cái balo nhỏ của lão có duy nhất một bộ áo mưa nilon mỏng 20 ngàn. Trong khi tụi mình vẫn còn mải mê đùa nghịch, chụp hình thì lão đột dưng mất hút khi đánh hơi thấy gì đó. Và một lát sau trời mưa, tụi mình hối hả chạy về lán. Về tới nơi thì đã thấy lão ngồi phì phèo điếu thuốc cạnh bếp lửa, không một giọt mưa dính áo.
Một trong những yếu tố địa hình gây tai nạn trong tự nhiên có tỉ lệ nhiều là suối. Các khu vực gần nguồn nước đa phần sẽ có đá cứng, lổm nhổm cả to và nhỏ, và rất nhiều hòn đá trơn, nhiều rêu. Chỉ cần một giây sơ sảy, không để ý mà trượt chân thì bạn hãy cảm ơn ông bà tổ tiên nhiều vào khi mà chỉ bị trầy da, xước tay chân hay đau nhẹ ở khu vực bị đập xuống đá. Nếu nhìn thấy một con suối lớn nhiều đá, róc rách nước chảy trong cả khu rừng rậm rạp, bạn sẽ bảo rằng nó đẹp, rằng muốn la lớn lên một tiếng còn mình sẽ chỉ nhìn thấy điều kinh khủng của nó diễn ra khi hàng ngàn tấn nước đục ngòm xối ầm ầm vào mùa nước lớn.
Vậy những kinh nghiệm nào là quan trọng nhất?
Đầu tiên, hãy biết SỢ. “Rừng thiêng nước độc” và luôn tiềm ẩn nguy hiểm. Dù rằng bạn có nhiều kinh nghiệm thế nào đi nữa, tự tin thế nào đi nữa thì hãy luôn luôn biết sợ trước những hiểm họa bất ngờ có thể xảy ra. Mình ít khi tranh luận với bạn nào nói rằng đỉnh này dễ dàng, đỉnh này chả có gì nguy hiểm cả…vì đơn giản các bạn đó chưa đi đỉnh đó vào thời điểm nó nguy hiểm nhất mà thôi.
Luôn luôn đi cùng một người thông thạo đường, là porter hoặc leader của chuyến đi đó. Vì lí do nào đó mà không đi cùng thì hãy đảm bảo rằng có cách liên lạc thông suốt giữa bạn và những người đó, hoặc cách liên lạc với thế giới bên ngoài. Nhưng trước hết hãy nhớ, luôn luôn đi cùng họ.
Khu vực có nguồn nước lớn, suối, thác là những khu vực tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất trong rừng.
Mất nhiệt là nguyên nhân gây chết cao nhất khi cơ thể bạn không có vết thương, không gặp tai nạn. Bạn không thể chết đói ngay, không thể chết khát ngay nhưng bạn có thể chết rất nhanh khi cơ thể mất nhiệt.
Và hãy chịu khó đọc thêm, tìm hiểu thêm, kiểm chứng thêm, đừng đặt tất cả mạng sống của mình vào tay người khác. Bài đến đây là đủ, để còn nhận thêm ý kiến của mọi người.