Hà Giang tháng 3 có gì?
Hà Giang có lẽ là điểm đến mà có thể đi cả 30 ngày trong tháng, 12 tháng trong năm. Một ngôi làng chẳng có gì đặc biệt, nhưng cũng chính nơi ấy, chỉ một tháng sau thôi đã tràn ngập màu sắc của những cành hoa đang bung nở. Mỗi một mùa, một tháng trong năm, cao nguyên đá lại khoác lên mình một bộ áo mới, mà vẫn luôn đặc biệt, khiến con người ta phải tim đập chân run, phải xuýt xoa, ồ lên kinh ngạc. Vậy Hà Giang tháng 3 có gì?
Trong loạt bài viết này, mình sẽ giới thiệu đến các bạn vẻ đẹp của cao nguyên đá qua các mùa khác nhau trong năm. Sẽ là những gì đặc trưng nhất về cảnh sắc và cuộc sống vào thời gian này, còn với các địa điểm cơ bản và phổ biến, mình xin phép không nhắc đến. Với một người yêu núi, hầu như tháng nào cũng lên Hà Giang thì hi vọng rằng loạt bài này sẽ truyền được tình yêu với cao nguyên đá của mình cho các bạn ít nhiều.
Mục lục
Hà Giang tháng 3 là màu đỏ của hoa gạo
Không đều theo từng năm, nhưng cứ vào khoảng trung tuần tháng 2 cho đến giữa tháng 3, khi những đợt không khí lạnh phương Bắc đã giảm đi đáng kể, thời tiết ấm lên thì cũng là lúc các loài hoa bắt đầu đua nở. Có lẽ vì to hơn, bông hoa lớn hơn (cái này là mình tự nghĩ ra thôi) mà hoa gạo cần nhiều năng lượng hơn để nở được chăng, cho nên lúc nào hoa gạo cũng nở sau hoa đào.
Nếu như hoa gạo ở làng quê Bắc Bộ thường được trồng ở đầu làng như một dấu hiệu nhận biết. Những thân cây gạo cổ thụ xù xì, cao hai đến ba chục mét, nổi bật lên từ xa, thường là nỗi ám ảnh của lũ trẻ con bở “hồn cây đa, ma cây gạo”. Thì những cây gạo ở miền núi lại khác. Cũng cao tới cả vài chục mét, nhưng thân tròn và thẳng, vươn cao.
Hoa gạo ở đồng bằng thì trồng đơn lẻ, hoặc thành đôi, ba, số lượng ít, quanh các khu đền, chùa, ngoài cánh đồng…còn hoa gạo miền núi thì trồng thành quần thể, thành rừng, dọc các con sông, các triền núi,, ven các đường lộ lớn.
Nếu như ở đồng bằng, bạn chỉ có thể ngước lên nhìn những tán gạo cao vút, thì ở miền núi bạn có thể với tay lấy hoa gạo ngay sát mặt, vì có những cây trồng ven bờ dốc, ngay sát đường.
Hoa gạo có 5 cánh đơn, mỗi bông nở ra to như cái bát nhỏ, thường nở bung cùng một thời điểm. Chính vì to như vậy mà chỉ cần một đêm mưa to, gió lớn là ngày hôm sau dưới gốc đã có cả một thảm hoa đỏ rực.
Hoa gạo ở Hà Giang có nhiều ở các khu vực như dốc Bắc Sum, đoạn từ thị trấn Yên Minh đi Mậu Duệ, đoạn từ thị trấn Yên Minh lên Vần Chải, đoạn đèo Du Già, dọc hai bên bờ sông Nho Quế đoạn đèo Mã Pì Lèng, đoạn sông Nho Quế ở Niêm Sơn, Niêm Tòng hướng từ Mèo Vạc đi Bảo Lạc, Cao Bằng. (Mình sẽ đánh dấu các điểm này trên map ở cuối bài nhé).
Cây gạo là thân gỗ nhưng lại không rắn chắc hoàn toàn, cành to và mọc ngang, liên kết với thân yếu nên rất dễ gãy. Vì vậy hãy cẩn trọng khi đứng dưới gốc cây. Đã có không ít vụ tai nạn ghi nhận được do cành gạo bị gãy.
Lươn lướt trên những con đường đèo hay đi bộ trên những con đường mòn nhỏ, ngắm nhìn những tán hoa đỏ rực giữa vùng biên cương của tổ quốc, nhất là những lúc chiều xuống hay sáng tinh mơ, không một bóng người mang lại những cảm xúc thật khác lạ không thể nào quên.
Hà Giang tháng 3 với màu trắng hoa lê
Nhiều người mải mê với hoa đào, hoa gạo mà quên mất rằng tháng 3, Hà Giang còn có hoa lê nở trắng cành nữa.
Hoa lê màu trắng, có năm cánh, nhìn thoáng qua rất dễ nhầm lẫn với hoa mận. Nhưng không, cành lê xù xì, cong cong chứ không thẳng đuột như cành mận, hoa lê cũng mỏng manh, dễ rụng hơn hoa mận. Chính vì thế mà có lẽ hoa lê tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, thanh cao, nhẹ nhàng nhưng cũng rất mỏng manh. Nếu đã có người phụ nữ của mình hãy tặng cô ấy một cành hoa lê, nếu chưa hãy mang tặng mẹ.
Thời gian hoa lê nở không nhiều, có thể chỉ được một tuần, không lâu như hoa gạo. Chóng nở nhưng chóng tàn, mong manh trước những cơn gió, hoa lê giống như những tâm hồn nhạy cảm, dễ lay động trước những điều nhỏ bé nhất.
Ở Hà Giang, lê có nhiều ở khu vực Quản Bạ, Phó Bảng, Sủng Là, Lũng Cú. Được trồng trước nhà, ven các hàng rào, bờ ruộng.
Và đây sẽ là những địa điểm nổi bật ở Hà Giang tháng 3
Hà Giang tháng 3 – mùa lên nương
Sau 2 tháng tết kéo dài, một là tết của người Mông bắt đầu vào tháng chạp âm lịch và một là tết truyền thống của cả nước cộng với thời tiết đã ấm lên, thì người dân tộc bản địa ở cao nguyên đá, với khoảng trên 70% là người Mông đã chuẩn bị cho một mùa vụ mới.
Họ dọn dẹp cỏ dại, cây khô, đốt, cày bừa và tra hạt. Từ dưới các thung lũng lên tận những sườn núi cao vút, khói mịt mù cả một vùng rộng lớn.
Phương thức canh tác hốc đá, với những vùng trũng nhiều đất thì nhặt đá xếp thành hàng rào, cày bừa bằng trâu; với những khu vực trên cao đá nhiều hơn, lởm chởm hơn thì gùi đất đổ vào, mỗi hốc trồng được tầm 3,4 cây ngô. Lợi dụng nước mưa vào mùa hè để trồng cây ngô làm lương thực. Cũng chỉ có cây ngô chịu hạn tốt mới có thể sống trên những vùng đất khô cằn này.
Và mùa này cũng là mùa mà học sinh bỏ học nhiều nhất để…đi làm nương với cha mẹ. Những em bé lớp 3, lớp 4 đã thành thạo việc cầm cuốc, tạo lỗ và tra ngô. “Không đi làm thì lấy gì mà ăn? Cái chữ có làm no cái bụng ngay đâu”
Bạn cần lên lịch trình cho một chuyến đi Hà Giang ngắn ngày thì có thể tham khảo bài viết Lên lịch trình tối ưu 2 ngày 1 đêm đi cao nguyên đá Đồng Văn hoặc Lên lịch trình tối ưu 3 ngày 2 đêm đi cao nguyên đá Đồng Văn nhé.